Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN).


Hôm nay, 25/8, Nghị định số 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản chính thức có hiệu lực. Để triển khai và nhanh chóng đưa chương trình này đi vào cuộc sống, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã quyết định dành 15.000 tỷ đồng triển khai chương trình tín dụng tổng thể giai đoạn 2014-2017 hỗ trợ phát triển thủy sản.



Theo đó, BIDV sẽ cho vay đóng mới, nâng cấp tàu khai thác hải sản xa bờ, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá, cho vay vốn lưu động để khai thác hải sản và cung cấp dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ; cho vay ngắn hạn thi công đóng tàu; cho vay các dự án đầu tư theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao), cho vay ứng trước vốn đối với chương trình phát triển thủy sản do vốn ngân sách Nhà nước bố trí; cho vay phát triển nuôi trồng, sản xuất giống, chế biến thủy hải sản và gia tăng năng lực chế biến hải sản, cá ngừ đại dương.



Ngay từ khi Nghị định đang trong quá trình soạn thảo, BIDV là ngân hàng đăng ký sớm nhất triển khai gói tín dụng 3.000 tỷ đồng đầu tư phát triển đội tàu cung cấp dịch vụ hậu cần, khai thác hải sản xa bờ và cho vay vốn lưu động hỗ trợ chủ tàu, ngư dân tại tỉnh Bình Định.



Bên cạnh đó, BIDV đã triển khai gói hỗ trợ cho vay vốn lưu động phục vụ khai thác, hậu cần, thu mua hải sản tại địa bàn các tỉnh từ Nghệ An đến Bình Định, đây là những tỉnh trọng điểm có đội tàu đánh bắt xa bờ tại khu vực Hoàng Sa, Trường Sa và DK1, đến nay tổng số giải ngân đạt trên 106 tỷ đồng.



Về phía nội bộ BIDV cũng đã tổ chức các chương trình tập huấn để chuẩn bị triển khai Nghị định, giới thiệu chương trình cho vay đánh bắt xa bờ và đề án cho vay theo chuỗi giá trị sản xuất cá ngừ đại dương. BIDV cũng đã chỉ đạo các chi nhánh chủ động tiếp cận, tìm hiểu, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục vay vốn.



Để Chương trình có tính hiện thực cao, BIDV kiến nghị: Các Bộ ngành, đơn vị liên quan, bên cạnh việc sớm ban hành các mẫu thiết kế tàu phù hợp, cần có biện pháp để giảm chi phí đóng mới/nâng cấp tàu, tăng khả năng thu hồi vốn của chương trình.



Đối với các địa phương thuộc 28 tỉnh/thành phố triển khai chương trình, đề nghị sớm thành lập Ban chỉ đạo triển khai các chính sách phát triển thủy sản tại địa phương; đề xuất cho phép các ngân hang thương mại được tham gia từ giai đoạn xem xét, duyệt danh sách chủ tàu đủ điều kiện vay vốn để đẩy nhanh quá trình cấp tín dụng...



Ngoài ra, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng cần có sự phối hợp, hỗ trợ các ngân hàng quản lý tài sản đảm bảo tiền vay và nguồn tiền từ đánh bắt hải sản để quản lý thu hồi nợ vay, đảm bảo việc thu hồi vốn của chương trình./.


Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: