Giao dịch tại VPBank. (Nguồn: VPBank)


Hiện nay do công nghệ ngày càng phát triển cộng với nhiều người bận việc ở cơ quan hoặc gia đình không có thời gian ra ngoài, nắm bắt được nhu cầu này, nhiều ngân hàng đã cho ra mắt dịch vụ tiết kiệm trực tuyến (online) phục vụ khách hàng.



Trước đây mỗi lần gửi tiết kiệm, chị Thu Hiền (Ba Đình, Hà Nội) phải xin nghỉ làm để đến ngân hàng lấy số rồi ngồi chờ nhân viên giao dịch làm thủ tục mở sổ.



“Do công ty ở xa, mỗi lần như vậy tôi đều phải xin phép sếp nghỉ nửa ngày với lý do bận việc gia đình. Xin nghỉ ở doanh nghiệp nước ngoài rất ngại nhưng không biết làm thế nào, đã thế buổi chiều lại phải bắt xe lên công ty làm tiếp,” chị Lan chia sẻ.



Thủ tục rườm rà nhưng chị Hiền vẫn phải cố gắng vì nếu để tiền mãi trong thẻ, tiền lãi hàng tháng không được là bao và nếu quá tay có thể lạm vào khoản tiền dành dụm cho nhu cầu mua sắm, học hành của con cái sau này.



Trường hợp chị Hiền cũng là nỗi niềm chung của nhiều nhân viên văn phòng mỗi khi phát sinh giao dịch.



Chị Thanh Mai ở Cầu Giấy cũng chia sẻ: “Nhiều lúc dự trù phải ra ngân hàng làm các thủ tục tất toán, song công việc bận lại khiến mình mải mê. Đến lúc sực nhớ ra thì ngân hàng đã hết giờ giao dịch.”



Từ năm 2009, một số ngân hàng đã cho ra mắt dịch vụ tiết kiệm trực tuyến (online) phục vụ những cá nhân bận rộn. Thay vì phải đến tận quầy giao dịch, người gửi tiền chỉ cần đăng nhập vào hệ thống ngân hàng điện tử, chuyển tiền từ tài khoản thông thường sang một tài khoản tiết kiệm, với kỳ hạn gửi tùy chọn. Không chỉ đỡ tốn thời gian, hình thức này còn giúp các cá nhân có thể quản lý tài khoản, từ bản sao kê chi tiết giao dịch, biến động số dư tài khoản, ngày đáo hạn, lãi suất… ở bất kỳ đâu chỉ bằng thiết bị điện tử kết nối mạng, đặc biệt là điện thoại thông minh.



Thông thường, khách hàng lãi suất gửi tiết kiệm trực tuyến cao hơn gửi truyền thống từ 0,01 - 0,25%.



Theo lý giải của đại diện Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), mức chênh lệch này có được là do chi phí của ngân hàng giảm khá nhiều khi khách hàng sử dụng online. Báo cáo của Ersnt&Young chỉ ra chi phí để thực hiện giao dịch qua internet chỉ bằng 10% so với một giao dịch trực tiếp tại quầy.



Mặt khác, nếu trước đây sau mỗi lần chi tiêu còn dư khoảng vài trăm nghìn, chủ tài khoản thường để luôn trong thẻ và nhận được tiền lãi không đáng là bao, chẳng hạn với mức lãi suất không kỳ hạn 1% mỗi năm, tiền lãi từ 100.000 đồng chỉ khoảng 80 đồng. Nhưng thông qua dịch vụ gửi tiền trực tuyến, khách hàng có thể đăng ký gửi góp tiết kiệm hàng tháng với lãi suất cao hơn và số tiền sẽ gia tăng trong tương lai.



Như trường hợp của chị Lan, nếu trước đây phải gom đủ một món tiền nào đó mới mở sổ thì giờ đây chị có thể gửi góp những khoản tiền nhỏ hàng tháng của mình vào sổ tiết kiệm online mà không cần phải đáo hạn hoặc mở sổ mới, cũng như không cần phải đến tận nơi mà chỉ cần ngồi văn phòng click chuột vài lần là đã gửi được tiền tiết kiệm.



Nhờ những tiện ích như vậy, dịch vụ tiết kiệm online cũng ngày càng thu hút người dân có tiền nhàn rỗi, kéo theo các ngân phải vào cuộc cạnh tranh để kéo khách hàng về, hoặc chí ít không để họ sang gửi tiền nơi khác. Từ con số vài ba đơn vị hồi đầu, đến nay, trong hệ thống đã có hơn 30 ngân hàng tham gia cung cấp dịch vụ và phát triển mạnh nhất trong giai đoạn từ cuối năm 2012 đến nay.



Theo số liệu của VPBank, từ thời điểm ngân hàng này đưa ra sản phẩm tiết kiệm gửi góp Easysaving trên online, lượng sổ mở mới tăng 200% hàng tháng với sự đánh giá cao của khách hàng về tính tiện dụng.



“Tiết kiệm trực tuyến sẽ là xu hướng chính của các ngân hàng trong tương lai, thay thế dần cho các giao dịch tại quầy chi nhánh. Trên thế giới, tỷ trọng gửi tiết kiệm online đang chiếm khoảng 70%, trong khi trực tiếp tại chi nhánh chỉ là 30%”, đại diện VPBank cho biết.



Dịch vụ tiết kiệm online đang được ngân hàng đua nhau triển khai để thu hút người gửi tiền.




Ngoài tiết kiệm, nhiều ngân hàng còn đa dạng thêm nhiều kênh trực tuyến khác như cho vay, thanh toán tiền điện thoại, hóa đơn hay các dịch vụ chuyển tiền liên ngân hàng. Khách hàng đã ký hợp đồng giao dịch tín dụng, thanh toán quốc tế, dịch vụ tiền gửi, kinh doanh ngoại tệ cũng không còn phải đến quầy giao dịch, trình đủ các giấy tờ mà chỉ cần gửi email chứng từ đã được xác định bằng chữ ký điện tử là đã được ngân hàng chấp thuận giao dịch.



Tại VPBank, ngân hàng đặt mục tiêu tỷ trọng tiền gửi online sẽ chiếm ít nhất 30% tổng tiền gửi của khách hàng và sẽ tăng dần lên trong dài hạn.



Ngân hàng Kỹ Thương (Techcombank) cũng đặt mục tiêu đến năm 2016, số giao dịch trên kênh điện tử sẽ đạt trên 30% tổng giao dịch. “Đây là một con số thách thức nhưng cũng hoàn toàn có thể thực hiện được,” lãnh đạo nhà băng này nhấn mạnh. Trong năm 2013, số lượng khách hàng sử dụng sản phẩm ngân hàng điện tử tại Techcombank tăng 39%, số lượng giao dịch trên kênh điện tử đạt 2,7 triệu, chiếm 10% tổng số giao dịch.



Ngoài ra, nhiều khách hàng lớn tuổi, vốn là đối tượng nhắm đến của dịch vụ tiết kiệm cũng bị hạn chế tiếp cận công nghệ trên máy tính, do đó, trước mắt khách hàng mục tiêu của dịch vụ này mới chỉ là người từ 40 tuổi trở xuống. Các ngân hàng cũng phải đầu tư một lượng vốn lớn để luôn hiện đại hóa công nghệ, nâng cao tính bảo mật và chọn được một đội ngũ kỹ sư, cán bộ kỹ thuật có trình độ để quản trị, vận hành hệ thống./.


Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: