Chỉ còn vài ngày nữa là đến hạn (30/6) để các ngân hàng thương mại chấm dứt hẳn hoạt động cho vay và huy động vàng. Ngân hàng Nhà nước khẳng định, không gia hạn tất toán vàng thêm một lần nữa và sẽ có phương án xử lý riêng với một vài trường hợp không thể về đích đúng hạn.



Theo đại diện lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, đến thời điểm này, các tổ chức tín dụng đã tất toán được khoảng 95% số dư huy động vàng. Trong số 18 tổ chức tín dụng tham gia hoạt động này, hơn mười đơn vị đã xử lý xong.



Phó Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại tại Hà Nội cho biết, với lượng cung dồn dập thông qua các phiên đấu thầu, đến nay ngân hàng này đã tất toán được 90% trạng thái. Bên cạnh đó, phần lớn khách hàng sau khi kết thúc hợp đồng gửi vàng đều chọn dịch vụ giữ hộ vàng do ngân hàng cung cấp. Ngân hàng cũng đã làm việc với các khách hàng đang vay vàng để thoả thuận phương án xử lý là chuyển đổi hợp đồng từ vay vốn vàng sang vay vốn tiền đồng. Theo đó, giá trị khoản vay vốn bằng vàng được quy đổi sang tiền đồng theo giá vàng trên thị trường thời điểm chuyển đổi và áp dụng lãi suất vay vốn tiền đồng.



Eximbank là một trong số những ngân hàng đã cơ bản hoàn thành tất toán vàng trước 30/6 theo yêu cầu của Ngân hàng Nhà nước.



Lãnh đạo ngân hàng này cho biết, nhà băng này đã hoàn tất hợp đồng với tất cả các khách hàng gửi vàng tại Eximbank, chỉ còn một số khách hàng vay vàng trung và dài hạn. “Những trường hợp này, ngân hàng đã có phương án xử lý, đảm bảo đóng trạng thái vàng trước 30/6,” lãnh đạo ngân hàng này khẳng định.



Tuy nhiên, đến thới điểm này vẫn còn có một số ngân hàng thương mại chưa thể tất toán vì nhiều hợp đồng cho vay bằng vàng trước đây chưa đến thời hạn, trong khi khách hàng không chịu chuyển đổi sang tiền đồng để trả nợ.



Chuyên gia tài chính ngân hàng Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Ngân hàng Nhà nước không nên tiếp tục gia hạn tất toán vàng, còn một vài ngân hàng chưa hoàn tất có thể khoanh lại, xử lý riêng.



Theo nhận định của ông Nghĩa, sau ngày 30/6, giá vàng sẽ tiệm cận dần với giá thế giới, do cầu vàng trên thị trường giảm mạnh. Ở một khía cạnh khác, cung tín dụng cũng sẽ thu hẹp một phần, do một lượng vốn vàng đã bị rút khỏi nền kinh tế.



Thống đốc Nguyễn Văn Bình cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng có trạng thái huy động và cho vay bằng vàng phải nhanh chóng tất toán.



Theo Thống đốc, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục bán vàng ra để hỗ trợ các ngân hàng. Trước đây, thanh khoản của các ngân hàng chưa thực sự tốt nên chưa thể xử lý quyết liệt. Tuy nhiên, nay thanh khoản đã ổn định và lãi suất hợp lý nên các ngân hàng hoàn toàn có điều kiện để đóng trạng thái vàng.



“Sắp tới sẽ hành động quyết liệt và không chần chừ. Tôi đã nói là làm. Đề nghị các ngân hàng còn trạng thái vàng thì phải nghiêm túc chấp hành,” Thống đốc nhấn mạnh.



Thông điệp từ Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định sẽ không gia hạn lần nữa cho việc đóng trạng thái vàng như hồi cuối năm ngoái. Một vài ngân hàng khó có khả năng hoàn thành đúng hạn, Ngân hàng Nhà nước sẽ có phương án xử lý riêng.



Hiện tại, song song với việc giải quyết các hợp đồng huy động, cho vay vàng, các ngân hàng đang tích cực mua vàng để đóng trạng thái cho kịp hạn cuối vào ngày 30/6.



Thời hạn 30/6 được xem là dấu mốc quan trọng đối với thị trường vàng. Nhiều ý kiến cho rằng, qua ngày này nhu cầu mua vàng của các ngân hàng sẽ không còn, cầu vàng trên thị trường giảm, giá vàng trong nước bám sát giá thế giới.



Ngân hàng Nhà nước cũng cho biết, đóng trạng thái vàng sẽ giúp giảm bớt sự ảnh hưởng đến an toàn của hệ thống bởi sự lên xuống khó kiểm soát của giá vàng, đồng thời cũng giảm bớt nhu cầu của người dân vào vàng vì kênh huy động vàng đã không còn. Ngoài ra, việc đóng trạng thái cũng giúp Ngân hàng Nhà nước chủ động hơn trong việc tăng cung trong thời điểm này, tránh có thêm những rủi ro do biến động giá.



Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước, thời gian vừa qua, nhu cầu về vàng của thị trường chủ yếu tập trung ở khu vực tổ chức tín dụng và doanh nghiệp cần để tất toán trạng thái. Biểu hiện rõ nhất qua lượng vàng đưa ra đấu thầu luôn có tỷ lệ thành công rất cao.



Vào cuối năm 2012, thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy các tổ chức tín dụng còn thiếu khoảng 20 tấn vàng để tất toán hợp đồng. Trước sức ép về thiếu hụt thanh khoản vàng, Ngân hàng Nhà nước lùi thời hạn tất toán trạng thái đến ngày 30/6/2013.



Từ ngày 28/3, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp tổ chức các phiên đấu thầu vàng nhằm tăng cung cho thị trường, trong đó phần lớn để đáp ứng nhu cầu tất toán của các tổ chức tín dụng. Qua 35 phiên đấu thầu, lượng vàng mà Ngân hàng Nhà nước đã bán ra hơn 34 tấn, vượt so với 20 tấn dự kiến trước đó.



Nhiều dự báo cho rằng sau ngày 30/6, Ngân hàng Nhà nước sẽ nỗ lực giảm khoảng cách giá vàng trong và ngoài nước xuống 4 triệu đồng/lượng và có thể xuống 2 triệu đồng/lượng sau vài tháng.



Tuy nhiên, theo các chuyên gia, quản lý thị trường vàng không thể theo rập khuôn như thị trường ngoại tệ. “Có lẽ chúng ta cũng chưa nên kỳ vọng sau ngày 30/6 thị trường vàng trong nước sẽ tụt xuống mức mong đợi là 1 triệu đồng sẽ xảy ra trong một thời gian ngắn,” chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu nhận định./.





Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: