Sau thời gian khá dài ổn định, giá USD trong ngân hàng bất ngờ tăng cao trở lại, giá bán ra luôn chạm kịch trần, còn thu mua chuyển khoản cũng tăng cao. Điều này cho thấy dấu hiệu nhu cầu ngoại tệ đang căng thẳng.



Nguyên nhân giá USD tăng



Thời gian qua, thị trường ngoại hối nóng lên khi các ngân hàng thương mại đồng loạt đẩy giá mua - bán USD lên cao. Giá niêm yết tại nhiều ngân hàng hiện đang ở mức 21.030 - 21.036 đồng/USD (mua vào-bán ra).



Theo Ngân hàng Nhà nước, nguyên nhân chủ yếu gây áp lực lên tỷ giá xuất hiện vào thời điểm giá vàng thế giới giảm sâu vào ngày 16/4/2013 (1.350 USD/ounce) và tiếp tục thiết lập đáy mới vào ngày 21/6 (1.276 USD/ounce). Trong thời gian này, các ngân hàng thương mại đang khẩn trương tất toán trạng thái vàng theo hạn chót vào ngày 30/6, chấm dứt nghiệp vụ huy động và cho vay bằng vàng.



Trong bối cảnh giá vàng thế giới ngày càng giảm sâu, khách hàng gửi vàng tại các ngân hàng thương mại có xu hướng nhận đổi vàng sang tài sản khác, phần nhiều là chuyển sang USD. Phương án này có lợi cho cả đôi bên, nên các ngân hàng phải chuẩn bị một lượng USD nhất định.



Yếu tố thứ hai khiến USD tăng giá là do lãi suất tiền gửi VND giảm, một số người lo sợ lãi suất sẽ giảm thêm nên có xu hướng găm giữ USD hơn là VND và những tài sản khác. Tuy nhiên, theo Ngân hàng Nhà nước, tác động của yếu tố này không nhiều do gửi VND vẫn có lợi hơn so với USD, trong khi năng lực tài chính của số đông doanh nghiệp và cá nhân đều thấp do khó khăn kinh tế kéo dài.



Ngoài ra, còn là do nhu cầu ngoại tệ của khách hàng cá nhân như mua cho con em đi du học, du lịch nước ngoài cũng tăng cao.



Thừa nhận thực tế này, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc ngân hàng VIB cho biết thêm, trên thị trường hiện nay, cầu mua ngoại tệ có phần lấn át. Nguyên nhân do nhiều doanh nghiệp nhập khẩu đẩy mạnh mua vào để trả nợ.



'Trước họ vay ngoại tệ để hưởng lãi suất thấp nhưng nay tỷ giá tăng, cách làm này không còn hấp dẫn nữa nên các doanh nghiệp tìm cách mua USD trả nợ để chuyển sang vay VND,' ông Trung phân tích.



Phân tích một cách chi tiết hơn, chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, hiện tại tỷ giá ngoại hối cũng đang phải chịu áp lực lớn bởi một vấn đề khác: việc tăng tỷ giá trong những ngày gần đây liên quan tới việc các ngân hàng phải tất toán trạng thái vàng trước ngày 30/6.



Theo đó, nhu cầu trả nợ các khoản vay đến hạn trả, hoặc nhập vàng, đầu cơ có thể khiến cho tỷ giá USD nhảy vọt lên. Rồi sự chênh lệch giá vàng trong và ngoài nước cũng là tác nhân gây nên sự tăng giá USD.



Thừa nhận tỷ giá có xu hướng tăng trở lại từ tháng 4 đến nay, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình chỉ ra nguyên nhân chủ yếu từ các ngân hàng là chính. Trong thời gian qua, các ngân hàng dư thanh khoản do cho vay ra ít nên có ngân hàng mua dự phòng cải thiện trạng thái ngoại tệ, nhưng cũng có ngân hàng thông qua đó để kinh doanh. Nếu không cẩn thận, đầu tư quá trên thị trường ngoại tệ có thể dẫn tới để triệt tiêu nỗ lực cố gắng ổn định tỷ giá, chống đô la hóa trong nền kinh tế…



Điều chỉnh nếu thấy phù hợp



Ngay từ đầu năm 2013, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề ra mục tiêu ổn định tỷ giá trong biên độ không quá 2-3% trong năm 2013 nhằm kiểm soát kỳ vọng về sự mất giá của VND, tạo điều kiện để các doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch kinh doanh.



Do đó, theo Thống đốc, không thể vì lợi ích của ngân hàng nào đó mà phá vỡ lợi ích chung. Thống đốc khẳng định: “Nếu ngân hàng nào không tuân thủ nghiêm túc trên thị trường ngoại tệ, buộc Ngân hàng Nhà nước sẽ hút tiền về, thông qua các kênh khác nhau ví như tăng dự trữ bắt buộc.”



Tuy nhiên, trên thực tế, nếu tăng dự trữ bắt buộc sẽ đẩy lãi suất lên cao, gây khó cho đầu ra. Do đó, về khuôn khổ pháp lý không cấm các ngân hàng làm như vậy, nhưng trong bối cảnh chung kinh tế và hệ thống còn gặp những khó khăn, các ngân hàng thương mại cần có ứng xử chuyên nghiệp.



Thống đốc tái khẳng định thông điệp chính sách tỷ giá là ổn định không phải cố định. Do đó, trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo dõi sát diễn biến tỷ giá, thị trường tiền tệ, ngoại hối, thường xuyên rà soát số liệu dự báo cán cân thanh toán quốc tế để có cơ sở đánh giá cung cầu ngoại tệ. Theo đó, sẽ điều hành chính sách tỷ giá phù hợp.



Cũng trong mấy ngày qua, nhiều ngân hàng bắt đầu đưa ra ý kiến, Ngân hàng Nhà nước nên giảm trần lãi suất huy động USD xuống để tỷ giá ổn định hơn và hỗ trợ thêm cho doanh nghiệp xuất khẩu hiện nay.



Cơ sở đầu tiên mà các ngân hàng đưa ra là chênh lệch giữa lãi suất ngoại tệ và tiền đồng không còn quá lớn như trước đây. Trong khi, giữ ngoại tệ là tâm lý khó bỏ ngay của nhiều người dân, nhất là trong bối cảnh lạm phát vẫn rình rập.



“Mặc dù lãi suất ngoại tệ giảm, nhưng gần đây người dân vẫn mua USD để tích trữ. Nhu cầu cao nên khi không mua được USD tại ngân hàng thì người dân mua ở thị trường tự do khiến giá USD tại thị trường này cứ thế tăng lên,” Tổng Giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết.



Trả lời về vấn đề này, Thống đốc Nguyễn Văn Bình phát đi thông điệp, sẽ xem xét giảm trần lãi suất tiết kiệm ngoại tệ trong thời gian tới nhưng mức nào, liều lượng bao nhiêu thì phải cân nhắc./.










Ngày 27/6, Ngân hàng Nhà nước công bố điều chỉnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng giữa đồng Việt Nam và USD áp dụng cho ngày 28/06/2013 từ mức 20.828 VND/USD lên 21.036 VND/USD (mức điều chỉnh 1%). Với biên độ tỷ giá +/-1% so với tỷ giá bình quân liên ngân hàng, tỷ giá trần là 21.246 VND/USD, tỷ giá sàn là 20.826 VND/USD.








Việc điều chỉnh tỷ giá lần này nhằm thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 7/1/2013 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, theo đó Ngân hàng Nhà nước có trách nhiệm điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, bảo đảm giá trị đồng tiền Việt Nam, thực hiện các biện pháp đồng bộ để cải thiện cán cân thanh toán quốc tế và tăng dự trữ ngoại hối Nhà nước.







Sau một năm rưỡi duy trì tỷ giá bình quân liên ngân hàng ổn định ở mức 20.828 VND/USD, việc điều chỉnh tỷ giá lần này nhằm phản ánh chính xác hơn cung cầu ngoại tệ trên thị trường, tạo sự ổn định vững chắc cho thị trường ngoại tệ. Ngân hàng Nhà nước sẽ áp dụng mọi biện pháp cần thiết để đảm bảo sự ổn định của tỷ giá.










Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: