Trong một động thái được đánh giá là chưa từng có tiền lệ, Chủ tịch Ngân hàng
Trung ương châu Âu (ECB) Mario Draghi, ngày 4/7 nói rằng ECB sẽ giữ lãi suất ở
mức thấp kỷ lục trong một thời gian nữa.



Tuyên bố của Chủ tịch ECB cùng với quyết định tương tự của Ngân hàng trung
ương Anh (BoE) đưa ra trước đó chưa đầy hai giờ đã gửi tới các thị trường tài
chính một định hướng rõ ràng nhất tới thời điểm này về lãi suất của ECB trong
tương lai.



Tại cuộc họp chính sách vừa qua, ECB đã thảo luận việc cắt giảm lãi suất, nhưng
đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức thấp 0,5%. Mặc dù cũng đã cân
nhắc việc hạ lãi suất tiền gửi tại ECB nhằm đẩy mạnh hoạt động cho vay, song rốt
cuộc ECB cũng quyết định giữ nguyên lãi suất tiền gửi tại ECB ở mức 0%.



Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp trên, Chủ tịch ECB nói rằng ngân hàng sẽ
duy trì lãi suất cơ bản ở mức hiện tại hoặc thấp hơn trong thời gian tới. Tuy
nhiên, ông Draghi không cho biết cụ thể ECB sẽ duy trì mức lãi suất này trong
thời gian bao lâu.



Chủ tịch Draghi cho hay ECB quyết định đưa ra định hướng cho chính sách lãi
suất vào thời điểm thị trường có nhiều xáo trộn sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ
(FED) công bố ý định rút lại hoặc giảm quy mô chương trình bơm 85 tỷ USD/tháng
vào hệ thống thông qua việc mua trái phiếu. Ông cũng nhắc lại dự báo của ECB
rằng kinh tế Eurozone sẽ cải thiện trong sáu tháng cuối năm.



Mặc dù được giới phân tích gọi là cuộc 'cách mạng mini,' song việc ECB công bố
định hướng lãi suất nói trên cũng cho thấy rõ thực tế ngân hàng trung ương này
đang đứng trước sự lựa chọn về chính sách khá nghèo nàn, nhất là vào thời điểm
một đợt xáo động mới vừa xuất hiện tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone).



Cuộc khủng hoảng chính trị ở Bồ Đào Nha đã đẩy lãi suất trái phiếu tại thị
trường nước này trong phiên 3/7 vừa qua lên trên ngưỡng 8%, làm dấy lên sự lo
ngại trên khắp các thị trường tài chính vốn đã khá bất an sau tuyên bố nói trên
của FED. Thêm vào đó, sự bất ổn chính trị ở Italy và việc Hy Lạp đang phải rất
nỗ lực để thuyết phục các chủ nợ quốc tế giải ngân khoản cho vay cứu trợ tiếp
theo cũng càng khiến cho tình trạng xáo trộn ở Eurozone thêm bất ổn.



Đưa ra đánh giá về tình hình kinh tế Italy, Quỹ Tiền tệ Quốc tế mới đây thúc
giục ECB hành động mạnh mẽ hơn trong việc hỗ trợ Eurozone, cụ thể là thông qua
hình thức mua tài sản trực tiếp và cung cấp nhiều hơn các khoản cho vay lãi suất
thấp cho các ngân hàng./.





Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: