Trong cuộc trao đổi với phóng viên Vietnam+ ông Louis Taylor, Tổng Giám đốc Ngân hàng Standard Chartered Việt Nam cho rằng, tín dụng sẽ tăng trong 2 quý cuối năm nhưng cần phải đẩy nhanh việc tái cấu trúc, nếu không, mọi sự chờ đợi sẽ ảnh hưởng tới niềm tin và tăng trưởng.



- Ông đánh giá thế nào về chính sách tiền tệ gần đây của Ngân hàng Nhà nước, cụ thể là việc cắt giảm lãi suất để điều chỉnh tỷ giá hối đoái trong thời gian qua?



Ông Louis Taylor: Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ điều hành chính sách tiền tệ dựa theo điều kiện của thị trường và họ đã thực hiện điều này rất hiệu quả. Cơ quan này đã hạ lãi suất mà không gây ra áp lực lên lạm phát. Trên thực tế thì lãi suất đã được hạ xuống song song với sự suy giảm của lạm phát.



Hiện nay, lạm phát không còn là vấn đề cấp bách đối với nền kinh tế, mặc dù vẫn cần được quan tâm một cách thường xuyên. Tuy nhiên, theo tôi, chính sách lãi suất đã được điều hành rất hiệu quả.



Về tỷ giá hối đoái, việc hạ giá tiền đồng gần đây là một động thái đáng chú ý. Có nhiều cách để chính phủ có thể phản ứng lại với áp lực của thị trường. Tuy nhiên, trên thực tế thì đồng tiền của hầu hết các quốc gia trong khu vực Đông Nam Á đều mất giá khá mạnh so với đồng USD trong vòng 1 tháng qua.



Việc Ngân hàng Nhà nước chỉ hạ giá tiền đồng ở mức 1% so với đồng USD thể hiện niềm tin của người dân vào tiền đồng còn khá cao nếu so sánh tương quan với một số đồng tiền khác. Ngay cả với động thái hạ giá vừa rồi, chúng ta có thể thấy niềm tin của người dân vào tiền đồng hiện nay đã được cải thiện nhiều so với thời điểm cách đây 1 đến 2 năm. Và đây là một thành công trong công tác điều hành của Ngân hàng Nhà nước.



- Theo ông có nên bỏ trần lãi suất trong thời điểm hiện nay?



Ông Louis Taylor: Theo tôi, trong một thị trường mở, không có việc trần lãi suất được ấn định cho các tổ chức tín dụng. Và tôi nghĩ rằng Việt Nam cũng nên áp dụng chính sách này ở một thời điểm thích hợp và Ngân hàng Nhà nước sẽ quyết định khi nào là thời điểm thích hợp.



Về thị trường lãi suất, chúng ta có thể thấy lãi suất đã hạ đến 8% kể từ mức đỉnh và đây là một sự thay đổi lớn. Theo Ngân hàng Nhà nước thì chính sách tiền tệ sẽ được điều hành dựa theo điều kiện của thị trường.



Rõ ràng, Ngân hàng Nhà nước hiện đang muốn thúc đẩy tăng trưởng. Và tôi cho rằng thị trường lãi suất đang có tính chất hỗ trợ cho nỗ lực này. Tuy nhiên, lãi suất không phải thứ duy nhất có thể kích thích tăng trưởng, vẫn còn rất nhiều vấn đề khác đòi hỏi không chỉ Ngân hàng Nhà nước mà cả nền kinh tế phải chung tay giải quyết để có thể thúc đẩy tăng trưởng.



- Theo ông, liệu Việt Nam có thể đạt được mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay hay không, vì 6 tháng đầu năm tín dụng tăng thấp?



Ông Louis Taylor: Thường thì nền kinh tế sẽ tăng tốc về nửa cuối của năm, tăng trưởng của 2 quý đầu tiên sẽ chậm hơn so với 2 quý còn lại. Chúng ta có thể thấy tốc độ tăng trưởng tín dụng đang ngày càng gia tăng. Theo tôi, khi chúng ta nhìn vào sự khác biệt giữa tăng trưởng tín dụng bằng tiền VND và USD, tăng trưởng tín dụng bằng VND khá cao do tín dụng bằng đồng USD suy giảm và đó là chủ ý của Ngân hàng Nhà nước khi mà họ muốn tăng cường việc sử dụng tiền đồng trong nền kinh tế.



Theo tôi, về tổng thể thì việc này sẽ không ảnh hưởng nhiều đến tăng trưởng kinh tế. Trên thực tế, tín dụng cho nền kinh tế đã suy giảm và điều này nói lên nhiều điều, đó là thực trạng của ngành ngân hàng với các khoản cho vay không hiệu quả, đó là vấn đề về nguồn cầu khi niềm tin của các doanh nghiệp trong nước còn hạn chế trong bối cảnh thị trường nội địa thiếu niềm tin để kích thích đầu tư.



Tôi cho rằng, việc tái cấu trúc phải làm thật nhanh, nếu không, mọi sự chờ đợi sẽ ảnh hưởng tới niềm tin, tới tăng trưởng tín dụng.



- Vậy, theo ông nền kinh tế Việt Nam trong 6 tháng cuối năm sẽ diễn ra như thế nào?



Ông Louis Taylor: Như tôi đã nói, tăng trưởng kinh tế có xu hướng gia tăng sau mỗi quý. Có thể thấy rằng tăng trưởng của quý 2 đã cao hơn so với quý 1 và chúng tôi kỳ vọng nền kinh tế sẽ tăng trưởng nhanh hơn nữa trong quý 3 và quý 4.



Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm nay có thể sẽ thấp hơn so với dự báo chúng tôi đưa ra hồi đầu năm. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) gần đây cũng hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam xuống 5,2%, chỉ cao hơn một chút so với năm ngoái. Đây là một kết quả hơi buồn khi nền kinh tế vẫn chưa thể tăng tốc.



- Standard Chartered vừa tham gia vào làm thành viên của Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, vậy điều này có ý nghĩa thế nào đối với Standard Chartered?



Ông Louis Taylor: Trước hết, việc gia nhập vào Hiệp hội Ngân hàng thể hiện chúng tôi là một ngân hàng trong nước. Thứ hai, Hiệp hội đóng một vai trò quan trọng trong việc thu thập ý kiến của các tổ chức hoạt động trên thị trường và trình lên cơ quan điều hành và chính phủ những kiến nghị về việc xây dựng các quy định và định hướng làm sao để hệ thống ngân hàng có thể hỗ trợ hiệu quả cho nền kinh tế.



Chúng tôi rất muốn là một phần của quá trình đó, không chỉ thông qua Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam, Hiệp hội các ngân hàng nước ngoài (Bank Working Group), mà còn qua các tổ chức trong nước. Chúng tôi nhận thức được tầm quan trọng của việc hỗ trợ sự phát triển của thị trường trong nước.



Hiện chúng tôi có một vị thế vững chắc trên thị trường với nguồn vốn lớn, lượng thanh khoản dồi dào, sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao, hệ thống quản trị tốt và chúng tôi có khả năng hỗ trợ hiệu quả cho khách hàng trong hoạt động kinh doanh quốc tế của họ. Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì đà tăng trưởng và sẽ phát triển mạnh hơn nữa trong khả năng của mình.



- Xin cảm ơn ông!





Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: