Ngày 11/7, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 71/2013/NĐ-CP về
đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý tài chính đối với doanh
nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.



Theo Nghị định, điều kiện đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp gồm:
Đầu tư các dự án, công trình quan trọng của Nhà nước tại doanh nghiệp
như: Dự án có tổng vốn đầu tư từ 35.000 tỷ đồng trở lên, trong đó có vốn
nhà nước từ 11.000 tỷ đồng trở lên.



Dự án, công trình có ảnh hưởng lớn
đến môi trường hoặc tiềm ẩn khả năng ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi
trường. Dự án, công trình sử dụng đất có yêu cầu chuyển mục đích sử dụng
đất trồng lúa nước từ hai vụ trở lên với quy mô từ 500 ha trở lên.



Dự
án, công trình phải di dân tái định cư từ 20.000 người trở lên ở miền
núi, từ 50.000 người trở lên ở các vùng khác. Dự án, công trình đầu tư
tại địa bàn có di tích quốc gia có giá trị đặc biệt quan trọng về lịch
sử, văn hóa; danh lam thắng cảnh được xếp hạng cấp quốc gia. Dự án, công
trình đầu tư tại địa bàn đặc biệt quan trọng đối với quốc gia về quốc
phòng, an ninh. Dự án, công trình đòi hỏi phải áp dụng cơ chế, chính
sách đặc biệt…



Đầu tư vốn nhà nước để
thành lập mới doanh nghiệp ở những ngành, lĩnh vực, địa bàn sau: Cung
cấp sản phẩm, dịch vụ thiết yếu cho xã hội, trực tiếp phục vụ an ninh,
quốc phòng; ứng dụng công nghệ cao, tạo động lực phát triển nhanh cho
các ngành, lĩnh vực khác và toàn bộ nền kinh tế, đòi hỏi đầu tư lớn; địa
bàn có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn mà các thành phần
kinh tế khác không đầu tư.



Nhà nước
thực hiện chuyển nhượng vốn đầu tư tại doanh nghiệp nhằm: Cơ cấu lại
doanh nghiệp theo lĩnh vực, ngành nghề Nhà nước không tiếp tục nắm giữ
100% vốn điều lệ; thu hồi vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác là
công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hoạt động trong lĩnh vực
Nhà nước không cần duy trì vốn góp; thu hút tham gia đầu tư vốn của các
nhà đầu tư chiến lược trong và ngoài nước.



Về quản lý tài chính đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn
điều lệ, Nghị định quy định rõ về quản lý và sử dụng vốn, tài sản của
doanh nghiệp; doanh thu, chi phí và kết quả hoạt động kinh doanh; kế
hoạch tài chính, chế độ kế toán, thống kê và kiểm toán.



Theo đó, về nguyên tắc, việc huy động vốn phải có phương án được
cấp có thẩm quyền phê duyệt đảm bảo khả năng thanh toán nợ. Việc vay vốn
của tổ chức kinh tế, cá nhân trong nước, doanh nghiệp phải thực hiện
thông qua hợp đồng vay vốn với tổ chức kinh tế, cá nhân cho vay theo quy
định của pháp luật. Việc huy động vốn của các tổ chức, cá nhân nước
ngoài thực hiện theo các quy định của pháp luật về vay trả nợ nước
ngoài. Việc huy động vốn dưới hình thức phát hành trái phiếu để phục vụ
cho ngành nghề kinh doanh chính được thực hiện theo quy định của pháp
luật về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.



Doanh nghiệp được quyền cho thuê, thế chấp, cầm cố tài sản của doanh
nghiệp theo nguyên tắc có hiệu quả, bảo toàn và phát triển vốn theo quy
định của pháp luật. Đối với doanh nghiệp được thành lập để thực hiện
thường xuyên, ổn định sản xuất, cung ứng sản phẩm công ích, trực tiếp
phục vụ quốc phòng, an ninh khi cho thuê, cầm cố, thế chấp những tài sản
trực tiếp phục vụ nhiệm vụ này phải được sự chấp thuận của chủ sở hữu….




Nghị định có hiệu lực thi hành từ 1/9/2013./.





Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: