Ngày 31/7, ngay sau khi Bộ Thương mại Mỹ ra thông báo về tốc độ
phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới vẫn chưa được như mong muốn,
Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tuyên bố sẽ tiếp tục duy trì gói
cứu trợ thứ ba (QE-3) và lãi suất thấp nhằm thúc đẩy kinh tế phát triển.




Phóng viên TTXVN tại Washington dẫn
thông cáo báo chí kết thúc hai ngày họp định kỳ của Fed đánh giá kinh tế
Mỹ trên đà cải thiện nhưng vẫn cần sự hỗ trợ.



Với tinh thần này, chủ
trương của Fed là tiếp tục duy trì gói cứu trợ QE-3, theo đó mỗi tháng
tung vào thị trường 85 tỷ USD để mua lại các trái phiếu dài hạn liên
quan tới thế chấp nhằm giữ lãi suất thấp để khuyến khích đầu tư và vay
mượn.



Chủ trương của Fed cũng tiếp tục duy trì lãi suất các khoản vay
qua đêm giữa các ngân hàng thương mại ở mức gần như bằng 0% đã theo đuổi
từ cuối năm 2008 đến nay.



Thông báo của Fed thừa nhận
tỷ lệ lạm phát luôn ở mức thấp hiện nay có thể gây rủi ro cho sự phát
triển của nền kinh tế, nhưng hy vọng lãi suất này sẽ trở lại mức 2% như
Fed đặt mục tiêu. Với tuyên bố này, các chuyên gia dự báo có thể phải
đến cuộc họp định kỳ trong tháng 9 tới Fed mới cân nhắc khả năng thu
nhỏ quy mô gói cứu trợ QE-3.



Trước đó, phát biểu với báo
giới sau cuộc họp định kỳ ngày 19/6, Chủ tịch Fed Ben Bernanke cho biết đến cuối năm nay, Fed có thể bắt đầu thu nhỏ quy mô
gói cứu trợ và đến giữa năm 2014 sẽ ngừng gói cứu trợ QE-3, tùy theo
tình hình phát triển kinh tế trong thời gian tới.



Trước
đó, cùng ngày, Bộ Thương mại Mỹ công bố báo cáo đánh giá sơ bộ lần đầu cho
biết tốc độ tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ trong quý 2/2013
chỉ đạt 1,7%, cao hơn so với mức tăng 1,1% trong quý đầu và cao hơn mức
dự kiến 1,6% của các chuyên gia. Tuy nhiên, con số này thấp hơn mục tiêu
2,0% do Fed đưa ra.



Ngoài việc ngân sách bị cắt giảm, báo cáo cho biết
một nguyên nhân làm chậm đà tăng trưởng của kinh tế Mỹ trong quý vừa qua
là do chi tiêu của người tiêu dùng, yếu tố đóng góp hơn 70% vào các
hoạt động kinh tế, trong quý chỉ tăng 1,8% so với 2,3% của ba tháng đầu
năm.



Xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng đã bù đắp phần nào
mức chi tiêu giảm của người tiêu dùng và của chính phủ liên bang. Trong
quý 2, xuất khẩu của Mỹ tăng 5,4% so với mức giảm 1,3% trong quý đầu
2013. Trong khi đó, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ cũng tăng 9,5% so với
mức tăng 0,6% trong quý đầu. Chi tiêu của chính phủ liên bang trong quý
giảm 1,5% so với mức giảm 8,4% trong quý 1. Đầu tư vào các lĩnh vực
không thuộc nhà đất trong quý tăng 4,6% so với mức giảm 4,6% trong quý 1.



Bộ Thương mại Mỹ dự báo, năm 2014 kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng
ấn tượng hơn, GDP có khả năng tăng từ 2,9%-3,5%. Bất chấp việc ngân
sách bị cắt giảm, cán cân thu chi ngân sách của chính phủ liên bang Mỹ
trong 7 tháng đầu của tài khóa 2013, bắt đầu từ tháng 10/2012, vẫn bị
thâm thủng tổng cộng 487,6 tỷ USD, giảm 32% so với mức thâm hụt 720 tỷ
USD cùng thời gian này của tài khóa 2012.



Theo dự báo của Văn phòng Ngân
sách Quốc hội (CBO), thâm hụt cán cân thu chi ngân sách của Mỹ tài khóa
2013 có khả năng chỉ ở mức 845 tỷ USD, giảm mạnh so với mức thâm thủng
1.100 tỷ USD trong tài khóa 2012. Năm 2013 có thể là năm đầu tiên kể từ
năm 2008, thâm hụt ngân sách của Mỹ giảm xuống mức dưới 1.000 tỷ USD.



Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Tổng thống Barack
Obama đã đề cử bà Sarah Raskin, một
trong bảy thành viên ban lãnh đạo của Fed, làm Thứ trưởng Bộ Tài chính.
Bà Raskin được đánh giá là một người có nhiều kinh nghiệm quản lý tài
chính, ngân hàng cũng như điều hành các công ty lớn và các tổ chức
lớn./.





Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: