Mặc dù có sự can thiệp vào thị trường với việc nới lỏng chính sách tiền tệ và hỗ trợ đồng nội tệ rupiah của Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI), song dự trữ ngoại tệ của nước này vẫn tiếp tục đà giảm, với mức giảm 5,4 tỷ USD trong tháng 7 do nhu cầu cao đối với đồng USD.



BI cho biết trong tháng Bảy, dự trữ ngoại tệ của Indonesia đã giảm còn 92,7 tỷ USD, mức thấp đáng chú ý.



Tuy nhiên, Giám đốc truyền thông BI, Peter Jacobs, lạc quan tin rằng áp lực lên dự trữ ngoại tệ sẽ không quá căng thẳng trong ngắn hạn do dòng USD đổ vào sẽ cao hơn trong những tháng tới, sau khi thị trường trái phiếu và cổ phiếu đã thu hút được 400 triệu USD trong hai tuần đầu tháng Tám.



Mức giảm dự trữ ngoại tệ 5,4 tỷ USD trong tháng Bảy là sự sụt giảm cao thứ hai trong năm nay sau khi sụt giảm tới 7 tỷ USD trong tháng Sáu, đưa tổng số tiền sụt giảm trong dự trữ ngoại tệ trong 7 tháng qua lên 20,1 tỷ USD - mức sụt giảm nhanh nhất trong số các ngân hàng trung ương châu Á.



Cho dù dự trữ ngoại hối 92,7 tỷ USD tính đến cuối tháng Bảy vẫn còn đủ để trang trải 5,1 tháng nhập khẩu, trả nợ nước ngoài, tức là vẫn cao hơn tiêu chuẩn an toàn (3 tháng) của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), song các chuyên gia kinh tế cho rằng mức sụt giảm nói trên là quá mạnh, bởi dự trữ ngoại tệ được ước tính ở mức 94-96 tỷ USD tính đến cuối tháng Bảy.



Điều này đòi hỏi BI phải tiếp tục tăng lãi suất để làm dịu thị trường khi cán cân thanh toán liên tục sụt giảm.



Thống đốc BI Agus Martowardojo cũng từng cảnh báo về cán cân thanh toán của Indonesia trong quý II năm 2013 khi dự báo thâm hụt tài khoản vãng lai cùng kỳ sẽ ở mức cao kỷ lục 9 tỷ USD.



Theo ông Agus Martowardojo hiện BI dành ưu tiên cho vấn đề thâm hụt tài khoản vãng lai hơn cho tăng trưởng kinh tế, bởi sự tăng trưởng này vẫn còn được hỗ trợ bởi tiêu dùng mạnh mẽ trong nước.



Trong phiên 15/8, đồng rupiah được giao dịch ở mức 10.297 rupiah/USD./.





Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: