Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) thông báo sẽ ban hành một số biện pháp điều
hành chính sách tiền tệ để giúp ổn định nền kinh tế đang có dấu hiệu xấu đi, do
lạm phát tăng cao và đồng nội tệ suy yếu.



Trong cuộc họp Ban Thống đốc về chính sách tiền tệ ngày 15/8, Ngân hàng Trung
ương Indonesia đã quyết định giữ nguyên lãi suất cơ bản ở mức 6,5% để kích thích
tăng trưởng đang trên đà chậm lại, và đưa ra một số chính sách vĩ mô để kiềm chế
lạm phát và tăng trưởng tín dụng cao trong ngành ngân hàng vốn đang đe dọa sự ổn
định nền kinh tế đất nước.



BI cho rằng các biện pháp điều hành vĩ mô sắp ban hành như tăng tỷ lệ dự trữ bắt
buộc, thắt chặt quy định cho vay, tập trung cải thiện khả năng thanh toán... sẽ
kiềm chế tăng trưởng tín dụng, giữ lạm phát mục tiêu ở mức 3,5-4,5% trong năm
tới. Việc BI không tăng lãi suất đã chấm dứt các đợt tăng lãi suất liên tiếp vừa
qua, từ 5,75% lên 6,5% từ khi ông Agus Martowardojo được bổ nhiệm Thống đốc BI
vào hồi tháng Năm năm nay.



Giám đốc Truyền thông BI Peter Jacobs cho biết BI không khuyến khích các ngân
hàng Thương mại có tốc độ tăng trưởng tín dụng quá nóng, gây rủi ro lớn cho
ngành ngân hàng.



Tuy nhiên, BI quan niệm giữ ổn định hệ thống tài chính không chỉ dựa vào chính
sách tiền tệ mà còn thông qua các biện pháp điều hành vĩ mô khác. Thời gian tới,
BI sẽ phát hành chứng chỉ tiền gửi ngân hàng mới (SBDI), thay cho chứng chỉ
trước đó vốn không được phép giao dịch với các nhà đầu tư nước ngoài.



Mặc dù lạm phát tăng cao (8,61%) và đồng nội tệ suy yếu, song BI vẫn phải giữ
nguyên lãi suất ở mức 6,5% để ngăn chặn đà tiếp tục suy giảm tăng trưởng của nền
kinh tế, sau khi chỉ đạt 5,8% trong quý II/2013, mức tăng thấp nhất trong gần ba
năm qua.



Trong khi đó, tính đến tháng Sáu năm nay, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân
hàng Indonesia đã lên tới 20,6%, mức cao nhất ở Đông Nam Á./.





Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: