Trong hội nghị diễn ra vào các ngày 5-6/9 tới tại Nga, các nhà lãnh đạo của
Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) dự kiến sẽ
đề xuất các biện pháp kiểm soát đối với hoạt động ngân hàng 'ngầm', để tránh
những nguy cơ ảnh hường đến dòng tài chính chảy vào nền kinh tế toàn cầu.



Trong bối cảnh các chính phủ đang 'thẳng tay' xử lý nguy cơ rủi ro từ các
ngân hàng truyền thống, các ngân hàng 'ngầm', với những giao dịch ước tính có
trị giá lên tới 60.000 tỷ USD/năm, vẫn là gốc rễ dẫn tới nhiều rủi ro đối với
người dân.



Không giống với các ngân hàng chính thống, những quỹ trung gian tài chính nói
trên cũng tiến hành cho vay, song không tiếp cận với những trợ giúp của ngân
hàng trung ương hay các hình thức bảo đảm khác như bảo hiểm tiền gửi và giấy bảo
lãnh nợ.



Các tổ chức này thường dựa vào những nguồn vốn ngắn hạn như thị trường repo,
theo đó những người vay mượn bán lại các loại chứng khoán được coi là tài sản ký
quỹ và nhất trí sẽ mua lại chúng sau đó, với mức giá và thời gian đã được thỏa
thuận.



Trước những nguy cơ mà hệ thống ngân hàng 'ngầm' có thể đưa lại, các nhà lãnh
đạo G-20 dự kiến sẽ thông qua những cải cách, nhằm kiểm soát chặt chẽ hơn các tổ
chức này. Những điểm chính trong kế hoạch cải cách gồm thiết lập một khung điều
chỉnh mới. Theo đó, G-20 sẽ hối thúc các ngân hàng 'ngầm' phải tuân thủ các quy
định về vốn chặt chẽ hơn.



Bên cạnh đó, đối với thị trường repo và cho vay chứng
khoán, G-20 dự kiến sẽ ủng hộ đề xuất đưa ra một mức cắt giảm bắt buộc mới đối
với các tài sản ký quỹ.



Tuy nhiên, các chuyên gia đánh giá chương trình cải cách của G-20 sẽ không
tạo ra những thay đổi sâu rộng đối với hệ thống ngân hàng 'ngầm,' trong bối cảnh
các tổ chức này vẫn giữ vai trò cung cấp thanh khoản cho các ngân hàng yếu kém
và giảm bớt sự phụ thuộc vào tiền của các ngân hàng trung ương./.






Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: