Báo cáo
mới của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhận định rằng các nền kinh tế tiên
tiến, dẫn đầu là Mỹ, sẽ có sự phục hồi trở lại và là động lực chính
trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế toàn cầu, trong khi các nước mới
nổi lại có nguy cơ bị chậm lại do chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ.



IMF cũng đồng thời hối thúc lãnh đạo các nước đẩy mạnh nỗ lực khôi phục
kinh tế và quản lý rủi ro trong giai đoạn hậu 'bão' tài chính 2007-2009.



Trong các lưu ý giám sát, chuẩn bị cho Hội nghị thượng đỉnh Nhóm
các nền công nghiệp phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G-20) họp
tại St Petersburg, Nga, IMF đã kêu gọi các nhà lãnh
đạo toàn cầu tăng cường các hành động để khôi phục sự phát triển và quản
lý các rủi ro, đồng thời cảnh báo rằng nguy cơ sụt giá đang ngày một rõ
nét hơn.



Theo IMF, các nền kinh tế mới nổi đã xuất hiện các dấu hiệu
'đặc biệt dễ bị tổn thương' do việc thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ
và điều này đòi hỏi các nhà hoạch định chính sách phải luôn sẵn sàng để
đối phó với tình trạng bất ổn tài chính gia tăng.



Báo cáo của IMF cho
biết: 'Các nhà hoạch định chính sách nên cho phép tỷ giá hối đoái đáp
ứng với sự thay đổi cơ bản nhưng có thể cần phải chuẩn bị các biện pháp
bảo vệ để chống lại các nguy cơ thay đổi trật tự, bao gồm cả việc can
thiệp để giảm thiểu những biến động quá mức.'



IMF cho
biết mối lo ngại lớn nhất có thể là nhịp độ tăng trưởng chậm trên toàn
cầu sẽ tiếp tục kéo dài, đặc biệt là ở các nền kinh tế mới nổi như
Brazil, Trung Quốc và Ấn Độ. Tuy nhiên, có một kỳ vọng rằng các nền kinh
tế tiên tiến khác, dẫn đầu là Mỹ, sẽ có được tốc độ tăng trưởng tốt
hơn, giúp thúc đẩy kinh tế toàn cầu trong năm 2014 tăng nhanh hơn so với
năm nay.



IMF cũng lưu ý rằng cuộc họp chính sách tiếp theo của Ngân
hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiến hành vào ngày 17, 18/9 và cơ
quan này có thể sẽ bắt đầu giảm dần chương trình kích thích kinh tế của
mình.



Theo IMF, các nền kinh tế ở châu Âu hầu như sẽ có
được sự phục hồi liên tục từ quý thứ ba của năm nay. Tuy nhiên, 17 quốc
gia trong Khu vực Đồng euro (Eurozone) cần phải thúc đẩy việc cung cấp
tín dụng bằng cách điều chỉnh các bảng cân đối ngân hàng và đạt được
những tiến bộ hướng tới một liên minh ngân hàng.



Để giúp giảm sự mất cân
bằng của kinh tế toàn cầu, IMF cũng kêu gọi các nền kinh tế tăng trưởng
như Trung Quốc và Đức thúc đẩy các nhu cầu trong nước, trong khi các
nền kinh tế đang bị thâm hụt lớn như ở ngoại vi Eurozone và Anh, cần sớm
cải thiện khả năng cạnh tranh của mình./.






Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: