Đồng USD lại yếu đi trên thị trường châu Á trong phiên giao dịch ngày 12/9 trong bối cảnh nhà đầu tư đang hướng sự chú ý tới cuộc họp về chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed - Ngân hàng trung ương nước này) và ngày càng hy vọng rằng vấn đề Syria sẽ được giải quyết bằng biện pháp ngoại giao.



Vào chiều 12/9 trên thị trường Tokyo, đồng USD tụt xuống 99,44 yen so với 99,92 yen vào lúc đóng cửa phiên hôm trước (11/9) trên thị trường New York, rời xa mức cao 100,50 yen vào phiên trước nữa (10/9) trên thị trường Tokyo.



Đồng euro cũng giảm giá so với đồng yen và đồng bạc xanh khi trượt xuống 132,36 yen và 1,3309 USD so với 133,03 yen và 1,3314 USD của phiên trước.



Trong bối cảnh chưa có các số liệu kinh tế quan trọng, mọi quan tâm của nhà đầu tư hiện đang đổ dồn vào cuộc họp trong tuần tới của Fed, nơi các nhà hoạch định chính sách của Mỹ dự kiến sẽ công bố các kế hoạch rút giảm dần gói kích thích kinh tế khổng lồ hiện hành.



Việc rút dần chương trình kích thích kinh tế này, hay còn được gọi là gói nới lỏng định lượng (QE3), với 85 tỷ USD được bơm ra hàng tháng để mua lại trái phiếu, đồng nghĩa với việc sẽ có ít USD được bơm vào hệ thống tài chính hơn, qua đó giá trị của đồng bạc xanh sẽ tăng lên.



Tuy nhiên, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ vào cuối tuần trước cho biết lượng việc làm được tạo ra trong tháng Tám ít hơn so với dự kiến cũng cho thấy nền kinh tế Mỹ vẫn còn cần hỗ trợ, và điều này khiến các chuyên gia kinh tế hàng đầu dự đoán rằng tại thời điểm này, Fed có thể sẽ không quá sốt sắng với việc giảm dần quy mô gói QE3.



Trong khi đó, các nhà phân tích cho rằng, việc Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã sẵn sàng cho kế hoạch tăng thuế tiêu dùng nhằm làm giảm mức nợ công của Nhật Bản, hiện ở mức cao nhất trong số các nước công nghiệp hóa, cũng làm gia tăng cơ hội để Ngân hàng trung ương nước này (BoJ) đưa ra thêm các chương trình kích thích kinh tế mới.



Theo ngân hàng National Australia Bank, đồng yên dự kiến sẽ còn giảm mạnh khi BoJ đưa ra thêm các chương trình nới lỏng tiền tệ mới để bù lại cho những tác động của chính sách siết chặt tài khóa nếu chính phủ của ông Abe thực hiện việc tăng gấp đôi thuế tiêu dùng vào năm 2014 tới.



Các báo cáo mới đây tại Nhật Bản cho biết ông Abe sẽ tung ra một gói kích thích kinh tế mới trị giá khoảng 5 nghìn tỷ yên (50 tỷ USD) để làm dịu bớt những tác động của việc tăng thuế tiêu dùng.



Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng cho thấy họ đang rất quan tâm đến những đồng tiền có độ rủi ro cao hơn nhưng lợi nhuận cũng cao hơn, do hy vọng rằng Nga và Mỹ sẽ đạt được thỏa thuận để Syria trao lại kho vũ khí hóa học của họ và tránh được một cuộc tấn công quân sự của Mỹ.



Phiên này, đồng USD hầu như đi xuống so với tất cả các đồng tiền châu Á, kể cả với đồng rupiah của Indonesia và đồng rupee của Ấn Độ.



Đồng bạc xanh chỉ lên giá so với đồng đôla của Australia, trong khi đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc giảm từ 16,41 yen xuống 16,22 yen.





Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: