Các chuyên gia từ 'bộ tam' chủ nợ quốc tế - gồm Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Liên
minh châu Âu (EU) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) - tới thủ đô Lisbon của
Bồ Đào Nha ngày 16/9, để đánh giá về những tiến triển của nước này trong việc
thực hiện cải cách nhằm đáp ứng những điều kiện trong gói cứu trợ trị giá 78 tỷ
euro.



'Bộ tam' chủ nợ sẽ dựa trên đợt đánh giá lần thứ 8 này để quyết định có tiếp tục
giải ngân khoản cứu trợ tiếp theo cho Bồ Đào nha hay không.



Trong bối cảnh chính phủ nước này đang cố gắng vượt qua cuộc khủng hoảng chính
trị, những nỗ lực nhằm phục hồi nền kinh tế của Lisbon còn bị 'ngáng trở' bởi
quyết định của Tòa án Hiến pháp Bồ Đào Nha, nhằm bác bỏ một dự luật của chính
phủ nước này cho phép sa thải công nhân viên chức khu vực nhà nước. Phán quyết
của tòa án đã khiến lãi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm của Bồ Đào Nha tăng lên
trên 7%, gần bằng các mức cao cách đây hai năm.



Các chuyên gia đánh giá mặc dù kinh tế Bồ Đào Nha tăng trưởng cao hơn dự kiến
1,1% trong quý 2/2013, nhờ xuất khẩu tăng mạnh, song xứ sở này vẫn là quốc gia
có nguy cơ rủi ro cao thứ hai tại Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone), sau Hy
Lạp.



Lisbon đã thông báo các biện pháp 'khắc khổ' mới, trong đó có biện pháp cắt giảm
trung bình 10% lương hưu của hầu hết cán bộ viên chức nhà nước.



Chuyên gia Pedro Lains, thuộc trường Đại học Lisbon, nhận định nếu Bồ Đào Nha áp
đặt thêm chương trình 'thắt lưng buộc bụng,' nước này sẽ tiến gần hơn tới việc
'sánh bước' cùng Hy Lạp, khi đà phục hồi suy yếu.



Theo ông Lains, chính phủ cần nới lỏng các biện pháp 'khắc khổ.' Tuy nhiên, Thủ
tướng Bồ Đào Nha, Pedro Passos Coelho, vẫn muốn theo đuổi các biện pháp này để
đáp ứng các điều kiện do các chủ nợ quốc tế đặt ra. Tuần trước, Phó Thủ tướng
Paulo Portas đã thúc giục các chủ nợ nâng mục tiêu về thâm hụt ngân sách của
nước này vào năm 2014 từ 4% GDP lên 4,5% GDP.



Trước đó, vào 'bộ tam' chủ nợ đã hai lần nhất trí nới lỏng mục tiêu về giảm thâm
hụt ngân sách của Bồ Đào Nha vào tháng Ba và tháng 9/2012.



Hiện nay, nhiều nhà phân tích tỏ ra hoài nghi về khả năng Lisbon có thể đáp ứng
được mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách xuống 5,5% GDP trong năm nay, dù nước này
khẳng định đang trên đà đạt được mục tiêu này./.





Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: