Ngân sách eo hẹp và cạnh tranh ngày càng lớn trong việc tìm kiếm các nguồn quỹ
phát triển đã buộc Ngân hàng thế giới (WB) phải thay đổi chiến lược hoạt động
theo hướng cho vay có chọn lọc hơn, chủ yếu tập trung vào các nước kém phát
triển, khu vực Nam Sahara, Đông Nam Á và một số khu vực khác chịu tác động lớn
từ tình trạng đói nghèo.



Đây là định hướng được đưa ra trong dự thảo báo cáo chiến lược phát triển
đầu tiên của WB được đưa ra dưới thời tân Chủ tịch WB Jim Yong Kim nhằm thực
hiện hai mục tiêu chính là xóa bỏ tình trạng nghèo khổ cùng cực vào năm 2030 và tăng
thu nhập của 40% dân số ở mỗi nước tính từ dưới lên.



Trong dự thảo dày 42 trang công bố ngày 16/9 trước thềm hội nghị hàng năm
của WB diễn ra vào tháng 10 tới, các chuyên gia khẳng định tăng cường sự linh
hoạt và đẩy mạnh tốc độ phân phối là những yếu tố then chốt trong chiến lược
hoạt động của thể chế tài chính lớn nhất thế giới này.



Dự thảo cũng cho biết hiện nay WB đang bị một số nước nghèo và nước có thu
nhập trung bình chỉ trích vì né tránh rủi ro, trì hoãn thông qua các dự án,
không đáp ứng đầy đủ nhu cầu của các nước và chỉ chú tâm tới việc cấp tiền thay
vì hiệu quả của dự án.



Cũng trong bản dự thảo này, các chuyên gia phân tích cho rằng WB ngày càng
có vai trò mờ nhạt đối với sự phát triển của những nước có thu nhập trung bình
vốn có thể dựa nhiều hơn vào việc vay mượn các nguồn quỹ tư nhân và song phương
từ các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc.



WB cũng thừa nhận chỉ còn nguồn lực rất hạn chế trong việc giúp đỡ các
nước đang phát triển, nơi chỉ riêng nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng đã cần số
tiền đầu tư lên tới hơn 1,5 nghìn tỷ USD mỗi năm.



Để khắc phục những khó khăn
này, WB muốn chuyển đổi mô hình hoạt động thành một ngân hàng 'giải pháp', không
chỉ cung cấp nguồn lực tài chính mà cả những kiến thức và kinh nghiệm đối phó
với những thách thức phát triển chung.



Ngoài ra, trong chiến lược mới, WB cũng lên kế hoạch sử dụng các dự án và
khả năng hiện diện toàn cầu của mình để thúc đẩy chia sẻ thông tin và thực thi
các chính sách hữu hiệu trong các lĩnh vực chung như ứng phó với biến đổi khí
hậu.



Tuy nhiên, để giúp các nước xác định đúng nhu cầu và tăng cường năng lực
điều phối các chính sách phát triển, WB cần hợp tác chặt chẽ hơn với các tổ chức
hỗ trợ phát triển như Liên hợp quốc, tổ chức từ thiện; đồng thời khuyến khích
tăng cường hợp tác công - tư trong cung cấp các dịch vụ cơ bản như y tế, giáo
dục, nhà ở...



Cũng theo dự thảo báo cáo, WB có kế hoạch cắt giảm ngân sách hoạt động
thông qua việc tiết giảm các chi phí hành chính trong hoạt động thu thập số
liệu, đánh giá tiến trình phát triển của các nước và duy trì đội ngũ nhân viên
trên toàn cầu.



Bên cạnh đó, WB cũng sẽ thu hẹp khoản vay dành cho các nước có thu nhập
trung bình, đồng nghĩa với việc lợi nhuận thu được của thể chế tài chính này
cũng sẽ bị co hẹp phần nào do giảm tiền lãi thu về từ các khoản cho vay.



Theo kế hoạch, ngân sách mới của WB sẽ được áp dụng từ năm tài chính tới,
bắt đầu từ tháng 7/2014. Nếu được thông qua, đây sẽ là một trong những khó khăn
lớn nhất đối với thể chế tài chính này khi WB đưa ra quyết định cụ thể về những
chương trình, dự án hay hạng mục phải dừng hoạt động.



Tuy nhiên từ nay đến lúc đó, dự thảo báo cáo còn phải được chính phủ các
nước thành viên thông qua trước khi được trình lên hội nghị thường niên của WB
và Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) vào đầu tháng tới./.





Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: