Thống đốc Ngân hàng Nhà nước vừa ban hành Chỉ thị số 04/CT-NHNN về việc phân loại nợ đối với nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xử lý nợ xấu.



Theo Chỉ thị, Thống đốc yêu cầu tổ chức tín dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ phải được thực hiện trên cơ sở đánh giá điều kiện sản xuất, kinh doanh, cung ứng dịch vụ, khả năng trả nợ thực tế của khách hàng; kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ các khoản nợ được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, bảo đảm sau khi được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, khách hàng sẽ có khả năng trả nợ theo thời hạn trả nợ được cơ cấu lại.



Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng sẽ không thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với khách hàng sử dụng vốn sai mục đích hoặc vi phạm các quy định trong hợp đồng tín dụng và các quy định pháp luật có liên quan.



Tổ chức tín dụng chủ động và tự quyết định việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ trên cơ sở theo dõi, đánh giá tình hình sản xuất, kinh doanh, năng lực tài chính của khách hàng, đồng thời kết hợp với việc xem xét lại mức lãi suất cho vay, phù hợp với điều kiện tài chính của khách hàng, của tổ chức tín dụng và tình hình thực tế của thị trường tiền tệ để góp phần hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.



Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ chỉ được thực hiện khi khách hàng không có khả năng trả nợ đúng kỳ hạn nợ gốc hoặc lãi vốn vay trong phạm vi thời hạn cho vay hoặc không có khả năng trả hết nợ gốc hoặc lãi vốn vay đúng thời hạn cho vay đã thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng; có phương án sản xuất, kinh doanh mới khả thi và được tổ chức tín dụng đánh giá có khả năng trả nợ tốt hơn theo kỳ hạn trả nợ được điều chỉnh, thời hạn cho vay được gia hạn.



Cùng với đó, tổ chức tín dụng phải ban hành quy định nội bộ đối với việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ và được giữ nguyên nhóm nợ để thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống; phải có cơ chế kiểm soát nội bộ bảo đảm kiểm soát chặt chẽ, an toàn, phòng ngừa và ngăn chặn việc lợi dụng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ. Báo cáo Ngân hàng Nhà nước (qua Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng) bằng văn bản quy định nội bộ và cơ chế kiểm soát nội bộ của tổ chức tín dụng.



Tổ chức tín dụng xây dựng và báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính) phương án triển khai và cam kết thực hiện để bảo đảm thực hiện đầy đủ các quy định tại Thông tư 02 khi có hiệu lực thi hành.



Định kỳ báo cáo Ngân hàng Nhà nước (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố nơi tổ chức tín dụng đặt trụ sở chính) về kết quả triển khai và thực hiện phương án này.



Cũng tại Chỉ thị này, Thống đốc yêu cầu Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tăng cường công tác theo dõi, giám sát, thanh tra và xử lý vi phạm đối với tổ chức tín dụng trong việc thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, đảm bảo hoạt động của tổ chức tín dụng an toàn, hiệu quả, đúng quy định; đề xuất với cấp ủy, chính quyền địa phương và Thống đốc các biện pháp quản lý, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tổ chức tín dụng./.





Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: