-
Cuộc chiến ngân sách tại nước Mỹ sẽ còn kéo dài
Mỹ, nền kinh tế lớn nhất thế giới, cuối cùng đã tránh
được cảnh vỡ nợ nhờ một thỏa thuận ngân sách ngắn hạn đạt được vào phút
chót.
Cũng với thỏa thuận này, một bộ phận công sở của chính phủ liên
bang cũng hoạt động trở lại sau 16 ngày đóng cửa. Tuy nhiên, những thiệt
hại mà việc đóng cửa chính phủ gây ra cho nền kinh tế là điều khó tránh
và đã được ước lượng bằng những con số cụ thể.
Cùng với đó, chính giới
Mỹ sẽ lại bước vào các cuộc thương lượng mới về ngân sách dài hạn, với
những vấn đề mấu chốt gây bất đồng đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Vẫn là một thỏa thuận phút chót
Sáng sớm 17/10, Tổng thống Barack Obama đã ký đưa vào
thực hiện dự luật ngân sách tạm thời được lưỡng viện Quốc hội thông qua
vào phút chót ngay trước thời khắc 17/10.
Theo đó, nguồn tài chính để
Chính phủ Mỹ hoạt động trở lại sẽ được nối lại đến ngày 15/1/2014, còn
Bộ Tài chính có thể tiếp tục vay mượn đến ngày 7/2/2014.
Trong ngày
17/10, hàng trăm nghìn nhân viên của các công sở liên bang bị đóng cửa
trong 16 ngày qua đã quay trở lại làm việc và nước Mỹ cũng đã tránh được
nguy cơ vỡ nợ trong gang tấc.
Cũng theo luật vừa được ban hành, một ủy
ban gồm các thành viên lưỡng viện sẽ được lập ra để soạn thảo ngân sách
cho thời gian còn lại của năm 2014.
Để đạt được sự
nhất trí đó, các nhà lãnh đạo lưỡng viện Quốc hội Mỹ đã phải trải qua
nhiều tháng đàm phán thất bại. Với việc lưỡng viện Quốc hội thông qua dự
luật vào phút chót, nước Mỹ đã tạm thời tránh được 'thảm họa' lần đầu
tiên vỡ nợ.
Theo tính toán, hạn chót để nước Mỹ nâng trần nợ công là
ngày 17/10 với mức trần nợ 16.700 tỷ USD. Nếu mức trần không không được
nâng lên sau ngày này, nước Mỹ sẽ chỉ còn 30 tỷ USD trong ngân khố quốc
gia, đồng nghĩa với việc nền kinh tế đầu tàu thế giới sẽ chính thức rơi
vào tình trạng vỡ nợ.
Tổng thống Obama nói rằng đạo luật
mà ông vừa ký ban hành để tạm thời nâng mức trần nợ sẽ xua tan đám mây
mù của sự bất định và sự lo âu đang bao trùm các doanh nghiệp và người
dân nước Mỹ. Tổng thống cũng nói thêm các nhà lãnh đạo đất nước có rất
nhiều việc phải làm để lấy lại niềm tin của dân chúng và ông sẵn sàng
làm việc với các nhà lập pháp của cả hai đảng để chỉnh đốn tình hình tài
khóa của chính phủ trong dài hạn. Ông cũng tin rằng dù đã bất đồng dẫn
đến việc đóng cửa chính phủ, phe Dân chủ và phe Cộng hòa có thể làm việc
với nhau vì sự tiến bộ của nước Mỹ.
Tuy nhiên, thực tế
là một số chính trị gia, chuyên gia kinh tế cũng như doanh nghiệp phản
ứng khá bình tĩnh trước những cảnh báo về khả năng Mỹ vỡ nợ bởi đã lường
trước được một kịch bản là trần nợ cuối cùng sẽ được nâng lên. Từ năm
1960 đến nay, trần nợ của Mỹ đã được điều chỉnh 78 lần. Gần đây nhất,
đầu tháng 8/2011, khi nước Mỹ trên bờ vực vỡ nợ, 12 tiếng trước thời
hạn, hai đảng trong Quốc hội đã đạt thỏa thuận cho phép nâng trần nợ
thêm 2.500 tỷ USD với điều kiện Tổng thống Obama phải cam kết cắt giảm
2.000 tỷ USD chi tiêu công.
Những thiệt hại được định lượng
Điều đang được quan tâm hiện nay là việc đóng cửa chính
phủ vừa qua sẽ ảnh hưởng ra sao đến nền kinh tế đang trên đà phục hồi
của Mỹ. Theo giới chuyên gia, việc dừng một số hoạt động của các cơ quan
Liên bang từ ngày 1/10 đã khiến làm hàng trăm nghìn nhân viên phải nghỉ
việc không lương sẽ gây ra những tác động không nhỏ cho nền kinh tế Mỹ,
khi lòng tin của người tiêu dùng chắc chắn bị ảnh hưởng và lãi suất của
trái phiếu chính phủ ngắn hạn của Mỹ sẽ tăng.
Theo
khảo sát của Reuters đối với 70 nhà kinh tế được tiến hành từ ngày 11/10
đến ngày 16/10, tăng trưởng kinh tế Mỹ quý 4/2013 được nhận định sẽ
không cao như dự báo tháng trước, do lòng tin kinh doanh và tiêu dùng bị
xói mòn trong bối cảnh bế tắc chính trị.
Các nhà kinh tế dự báo tăng
trưởng hàng năm của nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là 2,3% trong quý
cuối cùng của năm khi mà việc đóng cửa chính phủ ước tính sẽ làm giảm
tốc độ tăng trưởng 0,3 điểm phần trăm. Mức tăng trưởng trong quý I/2014
được nhận định vẫn ở mức 2,6% như dự báo tháng Chín. Tuy nhiên, một số
nhà kinh tế cho rằng đây là dự báo lạc quan bởi những căng thẳng ở
Washington về chính sách tài chính sẽ còn tiếp tục.
Rõ
ràng, việc chính phủ đóng cửa cũng sẽ tác động đến chi tiêu tiêu dùng
bởi hàng trăm nghìn nhân viên liên bang đã phải nghỉ việc còn những nhân
viên khác bị chậm lương. Điều này làm tăng trưởng thu nhập vốn đã thấp
sẽ còn chậm hơn và sau đó sẽ ảnh hưởng đến sức chi tiêu của người tiêu
dùng. Chỉ số lòng tin tiêu dùng của Thomson Reuters/Michigan of
University vào đầu tháng 10 giảm xuống mức thấp 9 tháng, một dấu hiệu
đáng lo ngại trước mùa mua sắm cuối năm.
Trong khi đó, sự không chắc
chắn trong chính sách tài chính của Mỹ sẽ vẫn dai dẳng, khiến các quyết
định đầu tư và thuê nhân công bị trì hoãn. Dự đoán trung bình về số việc
làm mới trong lĩnh vực phi nông nghiệp mỗi tháng trong quý 3 là
151.000 và quý 4 là 175.000, những con số dự báo thấp nhất cho các quý
này.
Trong khi đó, theo Cơ quan xếp hạng tín nhiệm
Standard & Poor’s, việc Chính phủ Mỹ đóng cửa một phần lần đầu tiên
trong 17 năm qua đã gây ra thiệt hại kinh tế lên đến 24 tỷ USD và sẽ
khiến tỷ lệ tăng trưởng giảm sút nghiêm trọng trong quý 4 năm nay.
Moody’s, một trong ba cơ quan đánh giá tính nhiệm quốc tế có tầm cỡ trên
thế giới, cũng có những nhận định tương tự và nhấn mạnh rằng thỏa thuận
giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã giúp tránh được một “thảm họa.”
Theo Moody’s, tăng trưởng của Mỹ sẽ bị mất đi 0,5 điểm phần trăm trong
quý 4/2013. Macroeconomic Advisers thì nhận định mức thiệt hại trong 16
ngày đóng cửa công sở là 12 tỷ USD.
Các thách thức với ngân sách dài hạn
Dù Quốc hội Mỹ đạt thỏa thuận phút chót, tạm thời kéo nước
này ra khỏi bờ vực vỡ nợ, song vấn đề ngân sách dài hạn vẫn đang chờ
giải quyết. Thỏa thuận ngân sách ngắn hạn vẫn chưa giải quyết dứt điểm
những vấn đề căn bản gây bất đồng giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa là
chi tiêu và thâm hụt ngân sách. Các nghị sỹ của hai đảng sẽ tiếp tục
bước vào tiến trình thương lượng về ngân sách dài hạn và dự kiến sẽ đưa
ra các kiến nghị đến ngày 13/12 tới. Nhiều chuyên gia cho rằng, cuộc
chiến ngân sách tại Mỹ sẽ tái diễn, với các cuộc tranh luận xung quanh
Đạo luật cải cách y tế được gọi là Obamacare.
Để tránh
nguy cơ vỡ nợ cho nước Mỹ bằng một thỏa thuận tạm thời, các nghị sỹ đảng
Cộng hòa đã phải chấp nhận một sự nhượng bộ chưa từng có là không đụng
chạm gì tới Obamcare. Tuy nhiên, Đạo luật này có thể là mục tiêu tranh
cãi giữa hai đảng khi thảo luận về ngân sách dài hạn.
Trong phát biểu
đưa ra sau khi thỏa thuận được thông qua, một số nghị sĩ bảo thủ của
đảng Cộng hòa, nhất là nhóm nghị sỹ 'Heritage Action' tại Hạ viện, vẫn
quyết liệt với nỗ lực chống ObamaCare. Thượng nghị sỹ Mitch McConnell,
thủ lĩnh phe thiểu số Cộng hòa tại Thượng viện, tái khẳng định quyết tâm
ngăn chặn Đạo luật Obamacare , một đạo luật mà đảng này cho là 'một
thảm họa' nếu được thực hiện vào lúc nền kinh tế đang gánh số nợ đến gần
17.000 tỷ USD, đồng thời khẳng định sẽ gây áp lực buộc chính quyền
Obama phải cắt giảm mạnh chi tiêu ngân sách tài khóa 2014.
Về phía đảng Dân chủ, sau khi giành thắng lợi trong cuộc chiến ngân
sách vừa qua nhờ sự thống nhất nội bộ, đảng này sẽ đứng trước thử thách
lớn hơn trong các cuộc thương lượng sắp tới. Khi đó, các nghị sỹ đảng
Cộng hòa sẽ tìm cách buộc Tổng thống phải nhượng bộ trong vấn đề chi
tiêu, cắt giảm thâm hụt ngân sách và cải cách đối với các chương trình
phúc lợi liên bang như Medicare và Social Security, những chương trình
mà các nghị sỹ đảng Dân chủ lo ngại Tổng thống có thể thỏa hiệp để có
thể đạt được một thỏa thuận.
Kế hoạch ngân sách năm nay của Tổng thống
đã khiến các nghị sỹ đảng Dân chủ phản đối bởi đã đưa ra những thay đổi
lớn đối với Medicare và Social Security, trong khi họ muốn những cải
cách đối với các chương trình này phải đi kèm việc tăng thuế.
Cắt giảm chi tiêu là điều ngoài ý muốn của cả hai đảng, song hai
bên lại không đồng thuận với nhau trong cách thức bù đắp cho việc cắt
giảm chi tiêu. Các nghị sỹ đảng Dân chủ có phần không muốn nhượng bộ về
mức chi tiêu, khi các lãnh đạo của đảng này nói họ đã lùi bước trước
đảng Cộng hòa khi đồng ý gia hạn mức cắt giảm chi tiêu hiện nay cho đến
ngày 15/1 tới như một phần của thỏa thuận ngắn hạn nhằm kết thúc tình
trạng đóng cửa chính phủ. Một khả năng có thể xảy ra trong các cuộc
thương lượng vào cuối năm là Tổng thống sẽ chấp nhận việc cải cách đối
với các chương trình phúc lợi nhưng giảm nhẹ hơn để đổi lại việc cắt
giảm chi tiêu tự động ở mức thấp hơn./.
Theo vietnamplus.vn
Các chủ đề cùng chuyên mục:
Quyền viết bài
- Bạn Không thể gửi Chủ đề mới
- Bạn Không thể Gửi trả lời
- Bạn Không thể Gửi file đính kèm
- Bạn Không thể Sửa bài viết của mình
-
Nội quy - Quy định
Khu dự án Green Town xây dựng bởi IDE Việt Nam tài chính linh hoạt lợi nhuận cao nhịp sống hiện đại. Green Town giagocchudautu.com tài chính linh hoạt cạnh trung tâm thuận tiện vui chơi. Khu căn hộ...
Green Town tuyệt đối an toàn giá...