Trong cuộc họp ngày 31/10, Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định duy trì chính sách tiền tệ siêu lỏng được đưa ra hồi tháng 4/2013, để 'chế ngự' tình trạng thiểu phát kinh niên tại nước này và hoàn thành mục tiêu đưa tỷ lệ lạm phát lên 2% trong khoảng hai năm.



BoJ sẽ tiếp tục bơm 60.000-70.000 tỷ yen/năm vào thị trường.



Trước đó, ngày 30/10, Bộ Tài chính Nhật Bản đã điều chỉnh đánh giá chung về nền kinh tế nước này trong quý hai tài khóa 2013-2014 (kết thúc vào tháng 4/2014), theo đó nền kinh tế Đất nước Mặt Trời mọc đang phục hồi lần đầu tiên trong sáu năm gần đây.



Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết các lĩnh vực kinh tế của đất nước đang tăng trưởng với tốc độ vừa phải, với hai nhân tố quan trọng là xuất khẩu và tiêu dùng trong nước đều tăng.



Chỉ số phát triển của 7/11 khu vực tại Nhật Bản được Bộ Tài chính điều chỉnh lại theo hướng tích cực hơn so với những dự báo trước đây. Trong số những khu vực phát triển khả quan hơn dự đoán có khu vực kinh tế lớn nhất Nhật Bản, Kanto, nơi có Thủ đô Tokyo.



Các nhà kinh tế học dự kiến kinh tế Nhật Bản tăng trưởng thực tế 1,4% trong quý 3/2013 so với mức 3,8% trong quý 2/2012. Văn phòng Nội các Nhật Bản dự kiến sẽ công bố dữ liệu sơ bộ về GDP quý 3/2013 vào ngày 14/11.



Công ty chứng khoán Nomura dự báo kinh tế Nhật Bản sẽ đạt mức tăng trưởng hàng năm 2,1%, mức cao nhất theo ước tính của bảy thiết chế tài chính, nhờ chi tiêu công từ gói ngân sách bổ sung cho tài khóa 2012 và đầu tư cho kinh doanh.



Trong khi đó, Công ty chứng khoán SMBC Nikko dự báo kinh tế tăng trưởng 0,3%, mức thấp nhất trong số bảy thiết chế, đồng thời cho rằng tiêu dùng của người dân thu nhỏ do chi tiêu cho ăn uống, may mặc và đi lại sụt giảm.



Điều tra cũng chỉ ra rằng trong quý 4/2013, nền kinh tế sẽ đạt tốc độ nhanh hơn trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng gia tăng trước khi chính phủ tăng thuế tiêu dùng từ 5% lên 8% vào tháng 4/2014./.





Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: