Trong cuộc họp bàn về chính sách tiền tệ ngày 12/11, Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) đã quyết định tăng lãi suất thêm 0,25% lên 7,5%, mức cao nhất trong vòng bốn năm qua.



Động thái này nhằm vực dậy đồng nội tệ rupiah đang trên đà suy giảm so với USD và cải thiện tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai vẫn ở mức cao trong quý Ba, sau khi đạt mức cao kỷ lục 9,8 tỷ USD trong quý Hai - tương đương 4,4% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).



Thống đốc BI Agus Martowardojo cho biết ngân hàng này dành ưu tiên cải thiện tình trạng của đồng nội tệ và thâm hụt tài khoản vãng lai trước thách thức đối phó với lạm phát trong quý cuối cùng của năm nay, khi tăng đồng thời cả lãi suất tiền gửi Fasbi lẫn lãi suất chứng khoán Repo thêm 0,25% lên các mức tương ứng 7,5% và 5,75%.



Ngoài ra, việc tăng lãi suất còn nhằm giảm bớt mức thâm hụt thương mại đã lên tới 657 triệu USD trong tháng Chín.



BI ước tính thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia trong quý Ba tuy có giảm so với quý Hai, song vẫn sẽ còn cao ở mức khoảng 8,4 tỷ USD. Tuy nhiên, Cơ quan Thống kê Quốc gia Indonesia (BPS) dự báo con số này chỉ khoảng 6,3 tỷ USD.



Chuyên gia tài chính Saktiandi Supaat thuộc ngân hàng Maybank có trụ sở tại Malaysia cho rằng việc tăng lãi suất để hỗ trợ đồng rupiah là cần thiết, bởi đồng tiền này sẽ vẫn phải đối mặt với áp lực xuống giá trong tương lai do khả năng giảm dần gói kích thích tăng trưởng (QE) của Mỹ.



Nhà kinh tế Robert Prior-Wandesforde thuộc ngân hàng Credit Suisse cũng nhận định động thái tăng lãi suất cơ bản của BI là một bước đi đúng đắn để đảm bảo sự ổn định của nền kinh tế trong nước./.


Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: