Sau nhiều tháng đàm phán căng thẳng, ngày 20/11, Bộ Tư pháp Mỹ và JP Morgan Chase, ngân hàng lớn nhất nước này, đã đạt được thỏa thuận chấm dứt vụ kiện.



JP Morgan Chase sẽ phải nộp phạt 13 tỷ USD do bán những chứng khoán được bảo đảm bằng những tài sản thế chấp dưới chuẩn, là một trong những nguyên nhân dẫn tới cuộc khủng hoảng tài chính và cuộc Đại Suy thoái kinh tế tại Mỹ giai đoạn 2007-2009.



Thỏa thuận này đã khép lại nhiều vụ khiếu nại dân sự cấp bang và liên bang, nhưng vẫn bỏ ngỏ khả năng một số quan chức của JP Morgan Chase có thể bị truy tố hình sự về những hành vi gian lận thương mại.



Đây là vụ kiện lớn nhất từ trước tới nay giữa chính phủ liên bang và một công ty Mỹ, phá vỡ kỷ lục vụ kiện 4,5 tỷ USD áp đặt hồi tháng Giêng vừa qua đối với tập đoàn dầu khí BP của Anh, do sự cố nổ dàn khoan Deepwater Horizon tại Vịnh Mexico năm 2010 khiến 11 công nhân thiệt mạng cùng hàng chục người bị thương. Bộ Tư pháp Mỹ nói việc phạt nặng JPMorgan sẽ giúp khôi phục lại lòng tin của các nhà đầu tư tài chính.



Trước đó, ngày 15/11, JP Morgan Chase thông báo cũng đã đạt được thỏa thuận đền bù 4,5 tỷ USD với 21 nhà đầu tư lớn về những chứng khoán liên quan tới thế chấp do JP Morgan Chase và Bear Stearns phát hành trong thời gian từ năm 2005 tới năm 2008. Các nhà đầu tư, trong đó có công ty Goldman Sachs, kiện JP Morgan Chase về tội đã lừa dối họ về những chứng khoán có tính rủi ro cao.



Trong số 13 tỷ USD mà JP Morgan Chase phải nộp có hơn 6 tỷ USD bồi thường cho các nhà đầu tư, 4 tỷ USD hỗ trợ chủ nhân các ngôi nhà thế chấp đang gặp khó khăn và số còn lại là khoản tiền phạt.



JP Morgan Chase là ngân hàng lớn nhất của Mỹ với tổng giá trị tài sản 2.509 tỷ USD. Khoản tiền phạt và bồi thường trên đây là lớn nhưng cũng chỉ chiếm hơn một nửa khoản tiền lợi nhuận 21,3 tỷ USD mà ngân hàng này thu về trong năm 2012./.




Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: