Ảnh minh họa. (Nguồn: sumitsinha.com)
Các thị trường mới nổi lớn nhất thế giới đã nhanh chóng hồi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008, khi cả người tiêu dùng lẫn các doanh nghiệp tăng cường vay mượn. Nhưng nay, “bữa tiệc” tín dụng đã quay lại ám ảnh các ngân hàng ở những nước này.



Khi các nền kinh tế “giảm nhiệt,” các khoản cho vay không trả đúng hạn đã tăng vọt, từ Thổ Nhĩ Kỳ tới Nam Phi. Ấn Độ phải bơm tiền vào khối ngân hàng quốc doanh vốn đang phải gồng gánh các khoản nợ xấu.



Trong khi đó, các ngân hàng Trung Quốc cũng vừa “nhận lệnh” phải tăng mức dự trữ bắt buộc. Tại Top 4 ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc, nợ xấu đang không ngừng tăng, khiến cổ phiếu của bốn “đại gia” này dao động quanh mức thấp kỷ lục do bị giới đầu tư “ghẻ lạnh.'



Hồi đầu năm nay, các thị trường mới nổi rơi vào tình trạng “chảy máu” vốn, do nhà đầu tư đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed, Ngân hàng Trung ương nước này) sẽ sớm rút lại chính sách nới lỏng tín dụng. Hiện tượng này đã đẩy lãi suất gia tăng, đồng thời làm giảm giá đồng nội tệ tại các nền kinh tế mới nổi.



Mặc dù Fed hồi tháng 9/2013 quyết định duy trì quy mô khổng lồ của chương trình mua trái phiếu, nhưng sự đảo dòng của luồng vốn có thể đe dọa “sức khỏe” kinh tế và hệ thống ngân hàng tại các nước đang phát triển.



Satyajit Das, tác giả của nhiều cuốn sách về rủi ro tài chính, đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ xảy ra một cuộc khủng hoảng tại các thị trường mới nổi. Tăng trưởng tín dụng quá đà, bong bóng tài sản theo Satyajit Das và một số chuyên gia phân tích, ngay cả Trung Quốc, quốc gia vốn ‘không phải nghĩ đến tiền” để phát triển kinh tế, cũng đang đối mặt với sự lựa chọn phải tái cơ cấu các doanh nghiệp quốc doanh làm ăn không hiệu quả, hoặc cho phép lạm phát tăng.



Chuyên gia Das cho rằng, không giống như các nước phương Tây, chính phủ ở các nền kinh tế mới nổi nhiều khả năng sẽ dang tay cứu các ngân hàng ốm yếu nếu hoạt động tín dụng sa sút, khiến các nền kinh tế này thêm chồng chất khó khăn.



Mặc dù tín dụng tăng song hành cùng sự phát triển kinh tế là lẽ tự nhiên, nhưng tại hầu hết các thị trường mới mổi, tăng trưởng tín dụng đã vượt xa tốc độ phát triển kinh tế.



Theo thống kê của Ngân hàng Thế giới (WB), tại Trung Quốc, các khoản vay của khối doanh nghiệp năm 2012 lên tới 132 %GDP, so với mức 104% GDP năm 2008. Cùng kỳ, các con số này tăng từ 33% lên 54% ở Thổ Nhĩ Kỳ, từ 53% lên 68% ở Brazil.

Năm 2012, tín dụng doanh nghiệp tại Nam Phi chạy qua mốc 150%GDP. Trong khi đó, nợ tiêu dùng chỉ tăng mạnh tại một số nước. Tín dụng tăng trưởng mạnh đối ngược hẳn với tình trạng kinh tế đi xuống.



Tốc độ tăng trưởng kinh tế của người khổng lồ Trung Quốc đã giảm từ mức trung bình 10,6% trong thời gian 2001-2011, xuống chỉ còn 7,7% năm 2012. Ấn Độ cũng rơi vào cảnh tương tự, với sức tăng GDP trượt từ mức trung bình 7,8% xuống 5% trong năm ngoái.



Theo một nghiên cứu do hai giáo sư Carmen Reinhart and Kenneth Rogoff của Đại học Harvard tổng kết, thì đi trước cuộc khủng hoảng ngân hàng thường là bong bóng giá tài sản, các luồng vốn ồ ạt đổ vào và bùng nổ tín dụng.



Nghiên cứu này phân tích 66 nước trong hơn hai thế kỷ, cho thấy nguyên nhân gây ra khủng hoảng ở các nền kinh tế mới nổi hay đã phát triển đều giống nhau. Kể từ khi các ngân hàng lớn nhất Brazil giảm bớt hoạt động cho vay năm 2012, chính phủ nước này đã sử dụng các ngân hàng nhà nước để tiếp tục hỗ trợ tăng trưởng tín dụng.



Các khoản cho vay của khối ngân hàng nhà nước hiện chiếm hơn 50% trong tổng tín dụng, so với mức khoảng 35% năm 2007. Moody’s Investors Service hồi tháng Mười vừa qua đã hạ triển vọng nợ của Brazil, mà một trong những lý do đó là việc chính phủ hỗ trợ các ngân hàng nhà nước. Tỷ lệ vỡ nợ các khoản vay tiêu dùng tại các ngân hàng của Brazil đã vọt lên mức kỷ lục 8,2% trong tháng 5/2012, và đã dịu xuống 7% vào tháng 9/2013.



Tại Ấn Độ, trong hơn một thập niên qua, các ngân hàng do nhà nước nắm quyền kiểm soát chiếm khoảng 75% tổng tài sản của hệ thống ngân hàng nước này. State Bank of India (SBIN), ngân hàng lớn nhất Ấn Độ về tài sản và ngân hàng lớn thứ ba Bank of Baroda (BOB) đều đang nằm dưới sự kiểm soát của New Delhi.



Bộ Tài chính Ấn Độ cho biết có thể sẽ bơm 2 tỷ USD vào các ngân hàng nhà nước để giúp họ đối phó với các món nợ không trả đúng hạn tăng lên khi kinh tế hạ nhiệt.



Goldman Sachs Group Inc. dự báo tốc độ tăng trưởng của kinh tế Ấn Độ sẽ giảm xuống 4% trong tài khóa kết thúc vào 31/3/2014 , mức thấp nhất trong hơn một thập niên qua. Nợ xấu tại các ngân hàng Ấn Độ đã vọt lên 3,9% trong tổng các khoản cho vay tính đến ngày 30/6/2013. Con số này hồi tháng 3/2011 mới chỉ là 2,4%.



Trong khi đó, hệ thống ngân hàng Trung Quốc phần lớn cũng cho nhà nước quản lý. Theo thống kê, các khoản vay không trả đúng hạn tại bốn ngân hàng hàng đầu của Trung Quốc trong quý III/2013 tăng 4%, mức tăng mạnh nhất kể từ năm 2010.



Vẫn dễ bị tổn thương Benn Steil, cán bộ cao cấp tại Hội đồng quan hệ đối ngoại (có trụ sở ở New York) nhận định mùa Hè vừa qua cho thấy các nước có mức thâm hụt tài khoản vãng lai lớn đặc biệt dễ bị tổn thương. Đảo ngược thế thâm hụt này là một dự án dài hơi, đòi hỏi những thay đổi về cơ cấu và mất nhiều năm để thực hiện.



Việc Fed trì hoãn thu hẹp dần chương trình kích thích kinh tế không phải là một toa thuốc đủ hiệu quả. Chuyên gia Steil dự báo các thị trường mới nổi có mức thâm hụt tài khoản vãng lai lớn nhất cuối cùng sẽ phải quay sang cầu cứu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).



Nhưng ông Steil sợ rằng IMF ở thời điểm này không đủ lực. Còn Nergis Kasabali, một chuyên gia phân tích tại Burgan Yatirim Menkul Degerler AS (có trụ sở ở Istanbul), cho rằng các khoản vay này sẽ được hoàn lại nếu nền kinh tế vẫn chạy đều. Nếu có một cú sốc kinh tế, thì đó là do chính sách nới lỏng định lượng được rút lại và luồng vốn nước ngoài thoái lui.



Theo thống kê của Nikolas Panigirtzoglou, một chuyên gia phân tích của JPMorgan Chase & Co., trong thời gian từ tháng 4 đến hết tháng 7/2013, khoảng 40 tỷ USD đã rút khỏi 10 thị trường mới nổi lớn nhất thế giới (trừ Trung Quốc).



Trung Quốc được trang bị tốt hơn các thị trường mới nổi khác để đối phó với kịch bản hệ thống ngân hàng sụp đổ vì cường quốc này nắm trong tay gần 4.000 tỷ USD dự trữ ngoại hối và không phụ thuộc vào các luồng vốn đề cung cấp tài chính cho các ngân hàng, công ty hay người tiêu dùng.



Còn các nước đang phát triển có mức dự trữ ngoại hối thấp hơn sẽ gặp khó khăn khi phải trám các lỗ hổng tại hệ thống ngân hàng và bảo vệ đồng nội tệ trong bối cảnh luồng tiền của phương Tây rút đi. Chẳng hạn như dự trữ ngoại tệ của Nam Phi không đủ để cứu khu vực ngân hàng nếu nợ không trả đúng hạn vọt lên 25% trong tổng giá trị các khoản vay./.




Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: