Các đại diện 'bộ tam chủ nợ' của Bồ Đào Nha - gồm Liên minh châu Âu (EU), Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) - đã bắt đầu xem xét và đánh giá về chương trình cứu trợ trị giá 78 tỷ euro dành cho nước này.
Động thái trên diễn ra trong bối cảnh lãnh đạo các doanh nghiệp và nghiệp đoàn Bồ Đào Nha lên tiếng phản đối việc áp dụng những biện pháp 'khắc khổ' thêm nữa.



Cùng với đó, Quốc hội Bồ Đào Nha đã thông qua bản ngân sách năm 2014, nhằm tiết kiệm 3,9 tỷ euro (5,3 tỷ USD), thông qua việc cắt giảm lương của công nhân viên chức, lương hưu.



Tuy nhiên, các biện pháp 'thắt lưng buộc bụng' này đã dấy lên các cuộc biểu tình và đà phục hồi vốn đã 'mong manh' của Bồ Đào Nha có thể sẽ bị tác động.



Khoản giải ngân tiền cứu trợ tiếp theo dành cho quốc gia châu Âu này sẽ phụ thuộc vào kết quả đánh giá của các chủ nợ quốc tế đối với tiến trình thực hiện cải cách cũng như việc đáp ứng các điều kiện cứu trợ của Bồ Đào Nha.



Tuy vậy, người đứng đầu Liên minh Công nghiệp Bồ Đào Nha, Antonio Saraiva, cảnh báo các biện pháp 'khắc khổ' sẽ làm giảm đáng kể hoạt động tiêu dùng của các hộ gia đình.



Trong khi đó, các chuyên gia của IMF lại ủng hộ quyết định giảm lương tối thiểu của Bồ Đào Nha dành cho giới trẻ xuống 485 euro, đồng thời cho rằng quyết định này sẽ khuyến khích các công ty thuê thêm nhân công và làm giảm tỷ lệ thất nghiệp, vốn đã ở mức 15,6% trong quý III/2013.



Nhiều người tỏ ra nghi ngờ về khả năng của Lisbon trong việc thúc đẩy các biện pháp 'khắc khổ' vào năm tới. Bản ngân sách năm 2014 của Bồ Đào Nha vẫn cần sự thông qua của Tòa án Hiến pháp.



Trước đó, tòa án này đã bác bỏ các biện pháp 'thắt lưng buộc bụng' của Quốc hội nhằm đáp ứng các điều kiện cứu trợ. Tính đến nay, Bồ Đào Nha đã nhận 71,4 tỷ euro trong gói cứu trợ./.


Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: