Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: energitoday.com)


Các con số thống kê và dự kiến kết quả hoạt động cả năm cho thấy 2013 là một năm khó khăn đối với nền kinh tế Indonesia, đặc biệt sự sụt giảm giá trị đồng nội tệ rupiah tới 20%.



Thâm hụt tài khoản vãng lai của Indonesia kỷ lục, dự kiến ở mức 31 tỷ USD (3,6% GDP), thâm hụt thương mại ước lên tới trên 8 tỷ USD và tỷ lệ lạm phát cao, có thể vượt ngưỡng 9% làm dấy lên lo ngại về khả năng tái phát một cuộc khủng hoảng tài chính làm rung chuyển nền kinh tế quốc gia như đã xảy ra trong các năm 1997-1998 và 2008.



Kinh tế Indonesia bắt đầu năm 2013 với một kết quả tích cực khi Cơ quan Thống kê Quốc gia (BPS) thông báo kết quả GDP quý 1 tăng trưởng 6,02%. Con số này tuy thấp hơn so với mức tăng tương ứng 6,3% cùng kỳ năm 2012, song vẫn là cao trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi chậm chạp.



Tuy nhiên, những tác động tiêu cực của cuộc khủng hoảng tài chính-nợ công ở hai đối tác thương mại chủ chốt là Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) lên xuất khẩu của Indonesia đã khiến đồng nội tệ rupiah bắt đầu đà sụt giảm giá trị từ giữa năm, buộc Chính phủ Indonesia trong tháng Năm đã phải điều chỉnh giảm các chỉ tiêu kinh tế để đối phó với tác động của đồng rupiah yếu.



Mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2013 đã được giảm từ 6,8% xuống 6,4% rồi 6,2% và tỷ lệ lạm phát được nâng từ 4,9% lên 7,2%.



Sau khi dao động ở biên độ hẹp 9.400-9.600 rupiah/USD trong hầu hết năm 2012 và trong nửa đầu năm 2013, đồng nội tệ của Indonesia đã giảm xuống dưới 10.000 rupiah/USD lần đầu tiên vào giữa tháng 7/2013 và hiện dao động quanh mức 12.000 rupiah/USD.



Ngân hàng Trung ương Indonesia (BI) đã cố gắng ngăn chặn đồng nội tệ vượt qua ngưỡng tâm lý 10.000 rupiah/USD song đã không có kết quả, mặc dù đã chi nhiều tỷ USD từ dự trữ ngoại hối để củng cố đồng rupiah.



Mối lo ngại ngày càng tăng về những tác động có thể khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) rút dần gói kích thích tăng trưởng kinh tế (QE) từ mức 85 tỷ USD mua trái phiếu hàng tháng, nhất là việc thoái vốn ra bên ngoài của các nhà đầu tư nước ngoài.



Đỉnh cao tác động của sự thoái vốn này diễn ra vào cuối tháng 8/2013, khi Chỉ số chứng khoán Jakarta Composite Index (JCI) giảm tới hơn 25% xuống 3.967 điểm trong vòng chưa đầy ba tháng từ mức 5.000 điểm. Điều tương tự cũng xảy ra ở các thị trường nợ khi các quỹ nước ngoài cũng bán ra tài sản của họ, chủ yếu là trái phiếu chính phủ.



Bên cạnh sự can thiệp tích cực vào thị trường, BI đã phải liên tiếp tăng lãi suất từ 6% hồi tháng Sáu lên 7,5% hiện nay để vực dậy đồng rupiah và kiềm chế áp lực lạm phát ngày càng tăng trong bối cảnh lo ngại sự sụt giảm của đồng nội tệ có thể dẫn đến một cuộc khủng hoảng tài chính. Mặc dù vậy, áp lực lạm phát vẫn mạnh khi tỷ lệ lạm phát đã tăng từ 5,89% trong tháng Sáu lên mức trung bình 8,5% trong các tháng 9, 10 và 11.



Ngoài ra, BI cũng đã gia hạn thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với các đối tác ở các quốc gia châu Á khác để ứng phó với trường hợp kinh tế xấu đi nghiêm trọng.



Các chính sách và biện pháp nói trên của Chính phủ Indonesia và BI đã giúp cải thiện lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài, khi một số trong số này đã đổ tiền trở lại vào thị trường chứng khoán và nợ trong nước của Indonesia.



Những dấu hiệu tích cực khác là dự trữ ngoại hối của Indonesia đã tăng trở lại, từ 92,67 tỷ USD cuối tháng Bảy lên 93 tỷ USD cuối tháng Tám, rồi 95 tỷ USD cuối tháng Chín và 97 tỷ USD cuối tháng 10.



Thâm hụt tài khoản vãng lai cũng giảm từ 4,4% GDP (9,95 tỷ USD) vào cuối quý 2 xuống 3,8% GDP (8,45 tỷ USD) vào cuối quý 3, và dự kiến cả năm sẽ ở mức 3,6%GDP (31 tỷ USD).



Tuy nhiên, đồng rupiah mất giá mạnh tới 20% đã ảnh hưởng đến hầu hết các thành phần kinh tế, bao gồm cả tiêu thụ trong nước, khi giá tăng do chi phí hoạt động cao hơn đã bắt đầu làm giảm nhu cầu.



Tăng trưởng GDP của Indonesia lần đầu tiên giảm xuống dưới mức 6% lần đầu tiên kể từ năm 2010 trong quý 2, khi chỉ đạt 5,81%, và tiếp tục giảm còn 5,6% trong quý 3, khiến mức tăng của cả năm 2013 chỉ ước đạt 5,7-5,8%. Và nếu đà sụt giảm tăng trưởng này nếu không đảo chiều và phục hồi lên mức 6,5% năm 2014 thì mục tiêu trước mắt nâng tổng giá trị GDP trong cùng kỳ lên 1.000-1.200 tỷ USD và mục tiêu lâu dài của của Chính phủ Indonesia đưa đất nước lọt vào tốp 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới trong giai đoạn 2025-2030 hoàn toàn sẽ chỉ là mong ước thuần túy./.


Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: