Ngày 14/1, Liên minh châu Âu (EU) đã đạt bước tiến lớn hướng tới việc xiết chặt các thị trường tài chính sau khi Nghị viện châu Âu (EP) và Hội đồng châu Âu (EC) nhất trí trên quyên tắc với các quy định tài chính mới mang tên MiFID, cơ chế giúp bảo vệ các nhà đầu tư tốt hơn và tạo dựng các thị trường an toàn hơn.



Ủy viên EU phụ trách các thị trường tài chính Michel Barnier cho biết các quy định mới sẽ cải thiện cách thức hoạt động của thị trường vốn theo hướng làm lợi cho nền kinh tế thực.



Ông nhấn mạnh thỏa thuận giữa EP và EC là bước tiến lớn mở đường cho việc thiết lập một hệ thống tài chính an toàn, mở cửa và có trách nhiệm hơn, đồng thời khôi phục lòng tin của các nhà đầu tư thời hậu khủng hoảng tài chính.



Mục đích của MiFID nhằm lấp kín những lỗ hổng pháp lý hiện nay để hạn chế hoạt động thương mại mang tính đầu cơ, từng bị coi là nguyên nhân châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 và khiến cuộc khủng hoảng nợ ở Khu vực đồng euro thêm trầm trọng. Bên cạnh đó, MiFID cũng giúp điều phối các hoạt động thương mại tần suất cao.



Thông báo của EP cho biết MiFID sẽ được áp dụng đối với các công ty đầu tư, các nhà điều phối thị trường và các dịch vụ cung cấp thông tin minh bạch hậu mãi.



Đáng chú ý, các quy định mới sẽ buộc người tham gia thị trường phải thực hiện các giao dịch tài chính trên các thị trường đã được điều phối nhằm đảm bảo mọi giao dịch được thực hiện trong khuôn khổ MiFID.



Nhằm hạn chế hiện tượng đầu cơ lương thực và năng lượng, các nhà chức trách lần đầu tiên được phép hạn chế quyền hạn của người hoạt động trên thị trường hàng hóa phái sinh.



Đây cũng là lần đầu tiên EU đề ra quy định đối với hoạt động thương mại tần suất cao, buộc các công ty đầu tư phải ngừng hoạt động nếu giá biến động quá mạnh.



Tổ chức Oxfam cho rằng quyết định của EP và EC đánh dấu sự khởi đầu tốt đẹp trong nỗ lực giải quyết vấn nạn đầu cơ giá lương thực, vấn đề đang đe dọa cuộc sống và sinh mạng của nhiều triệu người trên thế giới./.




Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: