Người dân đi mua sắm tại một phố trung tâm thủ đô Dublin ngày 11/12. (Ảnh: AFP/TTXVN)


Cơ quan xếp hạng tín dụng quốc tế Moody's ngày 17/1 đã nâng mức xếp hạng nợ nhà nước của Ireland từ mức 'đồ đồng nát' Ba1 lên mức có thể đầu tư Baa3, trong bối cảnh nước này đã thoát khỏi chương trình cứu trợ vỡ nợ phối hợp giữa Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Moody's đồng thời đặt triển vọng kinh tế Ireland ở mức tích cực.



Hãng Moody's đưa ra quyết định trên sau khi Ireland đã có thể quay lại thị trường vốn và đạt tăng trưởng kinh tế. Tuần trước, Ireland thực hiện đợt phát hành trái phiếu kỳ hạn 10 năm đầu tiên kể từ khi thoát khỏi chương trình cứu trợ hồi giữa tháng 12/2013, thu về 3,75 tỷ euro (hơn 5 tỷ USD).



Theo Văn phòng Thống kê Trung ương (CSO), Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ireland tăng 1,5% trong quý 3/2013 so với quý trước.



Moody's cho rằng việc tiếp cận thị trường vốn và tăng trưởng kinh tế cho thấy Ireland ngày càng có khả năng đảm bảo sự tăng trưởng dài hạn có thể duy trì được, yếu tố cần thiết để đạt bước ngoặt trong khu vực tài chính công. Tổ chức này ghi nhận việc Ireland thoát khỏi chương trình cứu trợ vỡ nợ 'đúng tiến độ' mà không cần áp dụng đường hướng tín dụng phòng ngừa chứng tỏ chương trình cải cách của Dublin về cơ bản đã đi đúng hướng bất chấp những điều kiện kinh tế đầy thách thức ở cả trong và ngoài nước.



Bộ trưởng Tài chính Ireland Michael Noonan hoan nghênh quyết định trên của Moody's, coi đó là bằng chứng cho thấy sự cải tiến lớn về lòng tin của nhà đầu tư. Ông Noonan nhấn mạnh quyết định của Moody's chứng tỏ Ireland đã đạt tiến bộ lớn trong việc ổn định ngành tài chính công, cơ cấu lại khu vực ngân hàng và quan trọng nhất là trong việc thúc đẩy nền kinh tế và kiến tạo việc làm.



Nền kinh tế Ireland điêu đứng vì cuộc khủng hoảng ngân hàng và vì dựa quá nhiều vào khu vực xây dựng đã sụp đổ như hệ quả cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tháng 11/2010, Ireland đã phải cầu viện gói cứu trợ vỡ nợ 85 tỷ euro (115 tỷ USD) từ EU và IMF. Đổi lại Dublin phải thực hiện các biện pháp 'thắt lưng buộc bụng' như giảm chi tiêu và tăng thuế trong những năm qua.



Về tình hình kinh tế Slovenia, IMF cùng ngày cảnh báo nước này không thỏa mãn với kết quả tái cấp vốn cho hệ thống ngân hàng mới đây, đồng thời hối thúc Ljubljana tái cơ cấu các khu vực doanh nghiệp và ngân hàng.



Trưởng phái bộ IMF tại Slovenia Antonio Spilimbergo cho biết hiện đã có một số dấu hiệu về sự ổn định kinh tế ở Slovenia tương ứng với sự cải thiện từng bước ở một số nền kinh tế năng động khác trong Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).



Ông Spilimvbergo xác nhận việc Slovenia tháng 12/2013 bơm 3 tỷ euro (4,0 tỷ USD) cho ba ngân hàng lớn nhất nước này đã giảm thiểu bất trắc đối với nền kinh tế nước này, song cảnh báo cơ cấu lại các khu vực công ty và ngân hàng là cách duy nhất có thể tạo ra những điều kiện cần thiết cho tăng trưởng kinh tế bền vững.



IMF cũng hối thúc Slovenia tiếp tục tư nhân hóa các công ty thuộc sở hữu nhà nước và chuẩn bị các biện pháp dự phòng trong trường hợp chương trình củng cố tài chính cắt giảm chi tiêu và tăng thuế không đạt kết quả như mong muốn.



Kinh tế Slovenia rơi vào suy thoái từ năm 2011. IMF đã điều chỉnh dự báo tăng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2013 của Slovenia xuống 1,7%, thay vì 2,6% trong dự báo trước đó. Đối với năm 2014, IMF dự báo GDP của Slovenia sẽ giảm 1,1%, chứ không phải 1,4% như dự báo ban đầu. Năm 2015, nền kinh tế dựa vào xuất khẩu của Slovenia có thể bắt đầu phục hồi nhờ nguồn cầu mạnh hơn từ khu vực đồng euro.



Trước đó, hãng xếp hạng Standard and Poor xác nhận mức xếp hạng dài hạn A- dành cho Slovenia với triển vọng 'ổn đị'', khẳng định Slovenia giải quyết kịp thời những rắc rối trong hệ thống ngân hàng nước này./.


Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: