Anh và Hà Lan đã đệ đơn lên Hiệp hội Thương mại tự do châu Âu (EFTA) đòi Iceland bồi thường 556 tỷ crown (4,85 tỷ USD) cộng với lãi suất và chi phí đi kèm để đền bù số tiền mà người dân hai nước này mất trắng khi mở các tài khoản ở ngân hàng trực tuyến Icesave, một chi nhánh của ngân hàng Iceland Landsbanki sụp đổ vào cuối năm 2008.



Phản ứng trước động thái này, Bộ trưởng Tài chính Iceland Bjarni Benediktsson tuyên bố không có bất kỳ bảo đảm nào của Chính phủ Iceland đối với những khoản tiền gửi của Icesave, do đó người nộp thuế của Iceland không bao giờ phải trả số nợ này.



Giám đốc Quỹ bảo lãnh nhà đầu tư và người gửi Iceland (TIF) Gudrun Thorleifdottir cũng bác bỏ đòi hỏi trên, cho rằng nếu tính cả lãi, chi phí và tiền gốc thì con số TIF phải trả có thể lên tới 1.000 tỷ crown, trong khi đó tổng tài sản của quỹ này chỉ khoảng 35 tỷ crown và tổng sản phẩm quốc nội của Iceland cả năm 2012 cũng chỉ có 1.700 tỷ crown.



Trước đó, chính phủ Anh và Hà Lan đã bồi thường cho công dân hai nước này bị thiệt hại do vụ phá sản ngân hàng Iceland trên, tuy nhiên cũng yêu cầu phía Iceland bồi hoàn số tiền đó. Mặc dù Quốc hội Iceland đã phê chuẩn thỏa thuận về bồi thường cho Anh và Hà Lan, song tại hai cuộc trưng cầu dân ý vào các năm 2010 và 2011, cử tri Iceland đều bác bỏ thỏa thuận trên.



Bốn ngân hàng chính của Iceland đã sụp đổ vào cuối năm 2008, kéo theo sự tuột dốc của nền kinh tế và đồng crown, buộc chính phủ nước này phải vay nợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và các nước Bắc Âu.



Iceland, một quốc gia chỉ có 320.000 dân, đã bồi thường cho những người gửi tiền trong nước bị thiệt hại khi hệ thống ngân hàng nước này sụp đổ, nhưng không bồi hoàn cho những người gửi nước ngoài có tiền gửi trong các ngân hàng Iceland./.


Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: