Nợ xấu đang “đè nặng” lên nhiều ngân hàng Tây Ban Nha. (Nguồn: Getty Image)


Theo báo cáo sơ bộ, nợ xấu trong tháng 12/2013 của các ngân hàng Tây Ban Nha đã tăng lên mức cao kỷ lục do họ vẫn phải tiếp tục trả nợ sau sự cố 'vỡ bong bóng' trên thị trường bất động sản, cho dù nước này đang chuẩn bị thoát khỏi chương trình cứu trợ 41 tỷ euro (56 tỷ USD) của các nhà tài trợ quốc tế.



Các khoản nợ xấu tăng từ mức 13,07% trong tháng 11 lên 13,6% trong tháng cuối của năm 2013, và đây là tỷ lệ nợ xấu cao nhất kể từ năm 1962. Các khoản nợ xấu trong tháng 12 nhích lên 197 tỷ euro, tăng từ 192,5 tỷ euro trong tháng 11/2013.



Các khoản nợ xấu đang “đè nặng” lên nhiều ngân hàng Tây Ban Nha, hệ quả của vụ vỡ 'bong bóng bất động sản' năm 2008, đẩy quốc gia này rơi vào suy thoái và hàng triệu công nhân bị mất công ăn việc làm.



Mặc dù Tây Ban Nha nhận được gói cứu trợ trị giá 41,3 tỷ euro, song nợ xấu của các ngân hàng đã liên tục tăng lên các mức cao mới trong nhiều tháng qua.



Tây Ban Nha - nền kinh tế lớn thứ tư trong Eurozone - đã 'tạm biệt' chương trình cứu trợ quốc tế vào ngày 23/1 vừa qua.



Các ngân hàng Tây Ban Nha đã chuyển giao nhiều tài sản xấu của họ cho một 'ngân hàng xử lý nợ xấu,' được gọi là Sareb, nhằm mục đích giải quyết chúng. Tuy nhiên, nợ xấu vẫn là vấn đề gây nhiều quan ngại.



Ủy ban châu Âu (EC) từng cảnh báo Tây Ban Nha phải thận trọng sau khi thoát dần khỏi gói cứu trợ vì các rủi ro về kinh tế vẫn còn, nhất là khi tỷ lệ thất nghiệp lên tới 26% trong quý 3/2013.



Các chuyên gia kinh tế cho rằng tỷ lệ nợ xấu ngân hàng ở Tây Ban Nha có thể tiếp tục tăng trong những tháng tới, khi người vay mượn gặp khó khăn trong vấn đề trả nợ thế chấp và những khoản vay của doanh nghiệp, trong lúc thất nghiệp cao và nhu cầu trong nước yếu.



Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Luis de Guindos ước tính, trong quý 4/2013, GDP của nước này tăng trưởng 0,3% so với mức tăng 0,1% trong quý 3/2013./.


Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: