Giao dịch tại ngân hàng. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)


Trong tháng 1/2014, dư nợ tín dụng tăng trưởng toàn ngành ngân hàng âm 0,5% và dự báo cũng tăng yếu trong tháng 2 càng khiến số tiền mặt của các ngân hàng thêm “ế ẩm”. Chính vì thế, không ít ngân hàng đang tích cực tìm đầu ra cho số tiền đang dư thừa của mình.



Đầu ra 'ế ẩm'



Gửi tiền tiết kiệm đầu xuân là một kênh đầu tư truyền thống quen thuộc với đồng tiền nhàn rỗi, thích hợp với nhiều đối tượng. Bao gồm cả những người không biết đầu tư vào đâu và các nhà đầu tư tạm trú vào tiết kiệm để chờ cơ hội đầu tư vào kênh được lựa chọn.



Vẫn giống như quy luật các năm trước 'tiền rút khỏi ngân hàng trước Tết, quay về sau Tết', nhưng dường như năm nay cường độ tiền gửi vào ngân hàng có cao hơn.



Theo đại diện một số chi nhánh ngân hàng thương mại trên địa bàn Hà Nội, dịp sau Tết, lượng tiền gửi tiết kiệm tại ngân hàng thường có xu hướng tăng. Tuy nhiên, đa số là những khoản tiền gửi tiết kiệm là từ dân cư.



Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng Phương Đông (OCB) cho biết, không chỉ sau Tết Nguyên đán, mà ngay tháng trước đó, huy động của OCB cũng rất tốt.



“Thanh khoản ngân hàng đang rất tốt, có biểu hiện dôi dư do lượng tiền huy động trong những ngày vừa qua tăng so với tháng trước,” ông Tùng nói.



Còn tại Agribank, tính đến ngày 18/2/2014, tiền gửi dân cư tăng 6,4% so với cuối năm 2013 và tăng 3,9% so với cuối tháng 1/2014.



Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình khẳng định: “Suốt trong 2 năm qua, tất cả những ai có gửi tiền vào hệ thống ngân hàng đều có lãi và an toàn. Đây thực sự là kênh đầu tư an toàn nhất và hấp dẫn nhất, đảm bảo được quyền lợi của người gửi tiền.”



Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra cho các ngân hàng thương mại là với nguồn vốn huy động không giảm, lại thêm lượng vốn “tồn kho” năm 2013, các ngân hàng phải làm gì? Lãi suất huy động tuy có giảm nhưng không có chuyện ngân hàng giảm, hay ngừng huy động vốn.



Tư nhân không vay, chuyển mua trái phiếu



Để giải quyết tình trạng ứ đọng vốn trong ngân hàng và cũng nhằm hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp và hộ kinh doanh đón đầu cơ hội tăng trưởng năm 2014 và bổ sung vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu, các ngân hàng đã triển khai nhiều chương trình với lãi suất ưu đãi hấp dẫn.



Từ ngày 24/2-31/3/2014, Ngân hàng Quốc tế (VIB) triển khai gói tín dụng 2.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi.



Theo đó, khách hàng cá nhân vay xây dựng, sửa chữa nhà, mua ôtô hoặc vay phục vụ sản xuất kinh doanh tại VIB với khoản vay từ 1 tỷ đồng trở lên sẽ được hưởng lãi suất ưu đãi không đổi 9,99%/năm trong 12 tháng đầu. Với khoản vay từ 500 triệu đến dưới 1 tỷ đồng, mức lãi suất ưu đãi trong 12 tháng đầu là 10,99%/năm. Đối với khách hàng vay trong thời gian ngắn, VIB cũng đưa ra lãi suất ưu đãi là 7,77%/ năm trong 3 tháng đầu.



Ngân hàng Đông Nam Á (SeABank) cũng cho biết, từ nay đến 31/12/2014, Ngân hàng này triển khai các gói tín dụng ưu đãi đặc biệt dành riêng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và hộ kinh doanh cá thể với tổng số tiền tài trợ lên tới 4.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay tối thiểu từ là 8,5%/năm.



Không chỉ có vậy, các ngân hàng còn đẩy mạnh việc tìm đầu ra cho dòng tiền bằng việc mua trái phiếu Chính phủ.



'Tiền gửi của người dân vẫn tăng nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng lại âm đủ thấy ngân hàng đang tắc đầu ra như thế nào. Không cho vay được khu vực tư nhân nên họ chuyển sang cho Nhà nước vay bằng cách mua trái phiếu,' một chuyên gia bình luận.



Cuối tuần qua, với phiên đấu thầu thành công có khối lượng kỷ lục 10.000 tỷ đồng, tổng lượng trái phiếu Chính phủ riêng Kho bạc Nhà nước đã phát hành từ đầu năm đến nay (chỉ trong vòng hơn một tháng, do kỳ nghỉ Tết khá dài) đã đạt trên 31,5 nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, lãi suất trái phiếu liên tục giảm, chỉ còn 6,15% - 7,67%/năm theo kỳ hạn 2 - 5 năm.



Lãnh đạo các ngân hàng thừa nhận, ngân hàng đổ vốn mua trái phiếu vì đang dư tiền. Mua trái phiếu Chính phủ cũng là cách để các ngân hàng xử lý tình trạng thanh khoản dư thừa, vừa được hưởng lãi, lại vừa có thể chuyển thành tiền để thanh toán khi cần.



Thừa tiền, thiếu vốn



Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, mua trái phiếu Chính phủ, ngân hàng nhiều lúc phải chịu lỗ nhưng về lâu dài, đây lại là lựa chọn an toàn hơn cả bởi rủi ro thanh khoản của trái phiếu Chính phủ bao giờ cũng thấp hơn so với đem cho vay tín dụng.



'Nếu cho doanh nghiệp vay vốn, ngân hàng phải chịu rủi ro cao hơn khi họ không trả được nợ. Trong khi đó, với trái phiếu Chính phủ lại an toàn hơn rất nhiều,' vị lãnh đạo này nói.



Bên cạnh đó, thông điệp từ chính sách tín dụng của Ngân hàng Nhà nước năm 2014 là đẩy mạnh vốn vào 5 lĩnh vực ưu tiên, gồm tam nông, doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghiệp hỗ trợ, xuất khẩu, công nghiệp chế biến. Để làm được điều này, Ngân hàng Nhà nước xác định chủ trương đẩy mạnh tín dụng ở các địa phương ngay từ đầu năm.



Theo tiến sỹ Trần Du Lịch, để làm được như kế hoạch đề ra, trước mắt phải giảm bớt được lãi suất cho vay trung, dài hạn để doanh nghiệp có vốn tái đầu tư, tái sản xuất.



Bà Nguyễn Thị Hồng, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước cho biết: “Việc các tổ chức tín dụng có tiếp tục giảm được lãi suất cho vay nữa hay không còn phụ thuộc vào giá vốn, tình hình tài chính của từng ngân hàng cũng như mức độ rủi ro đối với từng khách hàng. Nếu điều kiện tài chính thuận lợi, các tổ chức tín dụng có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay từ 1-2%/năm.”



Tuy nhiên, ông Lịch cũng nhấn mạnh, việc kéo giảm lãi suất so với khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp cũng vẫn còn khoảng cách. Nguyên nhân là do không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được nguồn vốn giá rẻ, lãi suất thấp.



“Do đó, tình hình thừa tiền - thiếu vốn sẽ còn tiếp diễn trong năm nay và chưa thể sớm chấm dứt, khi mà việc giải quyết nợ xấu, hấp thụ vốn, cũng như khả năng phục hồi sức mua của thị trường chưa thể cải thiện nhiều. Vì thế, việc hấp thu vốn của nền kinh tế năm nay có thể tốt hơn, nhưng tín dụng vẫn khó chảy mạnh,” ông Lịch nhấn mạnh./.




Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: