Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: THX/TTXVN)


Ngày 15/3, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) tuyên bố nới rộng biên độ dao động tỷ giá hối đoái giữa đồng nhân dân tệ so với đồng USD và từ ngày 17/3, biên độ giao động giá giao dịch đồng nhân dân tệ với đồng USD trên thị trường ngoại hối liên ngân hàng sẽ nới rộng từ 1% lên 2%.



Đây là lần nới rộng biên độ thứ ba kể từ khi Trung Quốc cải cách chế độ tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ hồi tháng 7/2005.



Những lần nới rộng biên độ trước là vào ngày 21/5/2007 (từ 0,3 lên 0,5%) và ngày 14/4/2012 (từ 0,5% lên 1%).



Viện trưởng Học viện Tài chính, Đại học Ngoại thương, Đinh Chí Kiệt cho rằng việc nới rộng biên độ thể hiện xu hướng thị trường hóa của việc cải cách tỷ giá hối đoái, cho thấy cơ chế hình thành tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ đã bước một bước quan trọng theo hướng thị trường hóa.



Người phát ngôn của PBoC cho rằng tỷ giá hối đoái là một loại chỉ số quan trọng trong thị trường, nới rộng biên độ có lợi cho việc tăng cường tính linh hoạt của tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ, từng bước tăng cường vai trò mang tính quyết định của nguồn lực thị trường, đẩy nhanh việc thúc đẩy điều chỉnh kết cấu và chuyển đổi phương thức phát triển kinh tế.



Chuyên gia Đinh Chí Kiệt cho biết từ ngày 21/7/2005, Trung Quốc đã thực hiện chế độ tỷ giá hối đoái biến động lấy cung cầu thị trường làm cơ sở, tham khảo giỏ tiền tệ để tiến hành điều tiết, có quản lý.



Theo người phát ngôn PBoC, nới rộng khung biến động tỷ giá hối đoái không liên quan trực tiếp đến việc tăng giá hay mất giá của đồng nhân dân tệ. Sự thay đổi của tỷ giá hối đoái chủ yếu do tình hình cung cầu ngoại hối lấy thu chi quốc tế làm cơ sở quyết định.



Cùng với việc thúc đẩy cải cách cơ chế hình thành tỷ giá hối đoái thị trường hóa, trong tương lai, đồng nhân dân tệ sẽ giống như loại tiền tệ quốc tế chủ yếu, xu thế biến động hai chiều linh hoạt sẽ trở thành bình thường.



Ông Đinh Chí Kiệt cũng nhận định, xét về trung và dài hạn, kinh tế Trung Quốc vẫn duy trì mức tăng trưởng tương đối cao, vẫn là một đầu tàu tăng trưởng trên thế giới, điều này sẽ khiến nhân dân tệ không có xu hướng bị mất giá, ngược lại không gian tăng giá sẽ lớn hơn nguy cơ mất giá. Tuy nhiên, xét trong ngắn hạn, đồng nhân dân tệ có thể bị mất giá mang tính điều chỉnh.



Ông Đinh Chí Kiệt phân tích, trước đây, trong bối cảnh đồng nhân dân tệ chỉ tăng giá một chiều, không ít nhà đầu tư chỉ mua nhân dân tệ và bán USD.



Sau khi nới rộng biên độ dao động, không gian tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ giảm cũng sẽ mở rộng, vì vậy rủi ro đối với các hoạt động mang tính đầu cơ sẽ tăng lên và để tránh rủi ro, những nhà đầu tư này sẽ phải bán ra nhân dân tệ và mua vào USD. Điều này sẽ tạo ra áp lực nhất định đến tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ trong thời gian ngắn.



Chẳng hạn, sau đợt nới rộng biên độ dao động tỷ giá hối đoái từ 0,5% lên 1% vào ngày 14/4/2012, đồng nhân dân tệ đã mất giá mang tính điều chỉnh trong thời gian khoảng một quý.



Sau khi nới rộng biên độ, tỷ giá hối đoái đồng nhân dân tệ tăng, giảm sẽ trở thành bình thường nhưng vốn ngoại hối của doanh nghiệp và hoạt động ngoại thương sẽ đối mặt với nhiều rủi ro hơn./.


Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: