Chi nhánh Citibank tại New York (Mỹ). (Nguồn: THX/TTXVN)


Ngân hàng Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ngày 26/3 đã từ chối thông qua các kế hoạch vốn của 5 trong tổng số 30 ngân hàng lớn tham gia đợt sát hạch mới nhất về năng lực ứng phó trong trường hợp xảy ra khủng hoảng tài chính tương tự cuộc suy thoái giai đoạn 2008-2009.



Năm ngân hàng bị Fed từ chối gồm Citigroup, HSBC North America Holdings, RBS Citizens Financial, Santander Holdings USA và Zions Bancorp.



Cả 5 ngân hàng này sẽ không được phép mở rộng các hoạt động chi trả cổ tức, mua lại cổ phiếu hay một số hình thức khác khi chưa củng cố cơ cấu vốn theo tiêu chuẩn của Fed.



Theo Fed, trong 5 ngân hàng trên, ngoại trừ Zions Bancorp không đảm bảo tỷ lệ vốn cơ bản ở mức tối thiểu theo quy định, 4 ngân hàng còn lại đều đáp ứng tiêu chí này nhưng lại bị 'trượt' ở nội dung duy trì luồng vốn trong trường hợp kinh tế Mỹ suy thoái.



Trong các kế hoạch hoạt động trình lên Fed, HSBC North America Holdings và RBS Citizens Financial bộc lộ rõ yếu điểm trong việc quản lý nguồn vốn cũng như kiểm soát nội bộ.



Riêng với Citigroup, mặc dù trong những năm gần đây đã đạt được nhiều 'tiến bộ đáng kể' trong việc quản lý rủi ro và kiểm soát hoạt động, song kế hoạch vốn 2014 của ngân hàng này vẫn thể hiện sự yếu kém trong việc dự trù doanh thu và bù lỗ cho các chi nhánh của mình trên toàn cầu nếu khủng hoảng xảy ra.



Theo kế hoạch, các ngân hàng này sẽ có 90 ngày để điều chỉnh kế hoạch và nộp lại bản mới cho Fed.



Ngay sau khi quyết định trên được công bố, Citigroup bày tỏ thất vọng trước việc không được phép tăng vốn trong thời gian tới như kế hoạch đề ra. Đây là lần thứ hai ngân hàng này buộc phải điều chỉnh lại kế hoạch vốn sau lần đầu tiên bị 'đánh trượt' năm 2012.



Trong một tuyên bố, Giám đốc điều hành Citigroup Michael Corbat thừa nhận mặc dù kế hoạch vốn còn bộc lộ một số thiếu sót, song ngân hàng này đã đạt được những tiến bộ vượt bậc trong việc củng cố nguồn vốn và vẫn là một trong những thể chế tài chính sở hữu nguồn vốn tốt nhất trên thế giới.



Ông Corbat cũng cho biết sẽ làm việc với Fed nhằm đưa ra kế hoạch vốn phù hợp với yêu cầu về cả 'chất lượng và định lượng' trong thời gian tới.



Tuyên bố trên được đưa ra một tuần sau khi Fed công bố kết quả sát hạch, theo đó 29 trong tổng số 30 ngân hàng lớn tại Mỹ được đánh giá đã trở lại 'thể trạng' tốt hơn sau cuộc khủng hoảng tài chính vừa qua.



Kết quả sát hạch cho thấy đa số các ngân hàng lớn của Mỹ có khả năng tiếp tục duy trì mức vốn đầy đủ nếu kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái, với tỷ lệ vốn cấp 1 - thước đo năng lực vượt qua khủng hoảng tài chính của ngân hàng - ở mức trung bình 7,8%, sau khi khấu trừ vốn cho cổ đông.



Trong đợt sát hạch này, American Express, Bank of New York Mellon, Fifth Third Bank, Nothern Trust và State Street là 5 ngân hàng có kết quả tốt nhất với tỷ lệ vốn cấp 1 vượt xa mức trung bình.



Trong khi đó, Zions Bancorp là ngân hàng duy nhất không vượt qua được bài sát hạch khi tỷ lệ vốn cấp 1 của họ chỉ ở mức 3,5% so với mức tối thiểu là 5%.



Fed tiến hành sát hạch năng lực vượt qua khủng hoảng của các ngân hàng theo định kỳ hàng năm kể từ năm 2009, thời điểm kinh tế Mỹ rơi vào suy thoái trầm trọng kể từ sau cuộc Đại suy thoái năm 1930-1933./.


Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: