Ngày 1/4, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) đã ra mắt báo cáo triển vọng phát triển châu Á Việt Nam, trong đó ghi nhận những tiến bộ đạt được trong cải cách khu vực tài chính ngân hàng, bao gồm những nỗ lực không ngừng của Ngân hàng Nhà nước trong việc giám sát hoạt động cho vay, sáp nhập và tái cơ cấu của một số ngân hàng yếu kém, nới lỏng các quy định hạn chế đầu tư nước ngoài vào các ngân hàng trong nước.



Các chuyên gia của ADB cũng đánh giá cao Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước vì Thông tư này thể hiện rõ sự bắt buộc các ngân hàng thương mại từ nay đến năm 2015 phải cung cấp thông tin nợ xấu cho Trung tâm thông tin tín dụng (CIC). Việc yêu cầu báo cáo định kỳ và thường xuyên cho CIC đã tiến gần hơn tới chuẩn mực quốc tế.



Điều này là sự khác biệt lớn vì trước đây theo chuẩn mực quốc tế, nếu như một ngân hàng có nợ xấu thì phải thông báo cho các ngân hàng khác nữa, tuy nhiên điều đó không xảy ra ở Việt Nam cho đến khi Thông tư 02 ra đời.



“Ngân hàng Nhà nước cần thực thi được Thông tư 02 một cách đầy đủ, để làm được điều này cần nâng cao năng lực của cán bộ Ngân hàng nhằm kiểm tra các báo cáo của các ngân hàng thương mại tránh tình trạng né nợ xấu,” chuyên gia Dominic Mellor của ADB nhấn mạnh.



Về trì hoãn thực hiện Thông tư 02 của Ngân hàng Nhà nước về quản lý nợ xấu, theo đại diện của ADB, việc này sẽ không có tác dụng tiêu cực quá dù về lâu dài, càng trì hoãn thì rủi ro càng cao hơn nhưng cũng không thể thay đổi các thông lệ quy định ở Việt Nam trong một sớm một chiều được tất cả mà để tiệm cận chuẩn mực quốc tế cần mất thời gian và phải có lộ trình.



Ông Dominic cũng đánh giá rằng về mặt lý thuyết, các ngân hàng thương mại sẽ sử dụng dư địa còn lại của Thông tư 02 để lợi dụng giấu đi phần tín dụng rủi ro và nợ xấu. Nhưng thực tế hiện nay các ngân hàng thương mại cũng rất sợ nợ xấu, họ đang phải chịu áp lực nặng nề trong việc tăng trích lập dự phòng.



“Tôi cho rằng trì hoãn Thông tư 02 sẽ chưa khiến cho mọi việc trở nên tiêu cực trong thời gian tới,” ông Dominic nhận định.






Báo cáo cũng ghi nhận việc thực hiện các quy định mới về phân loại nợ và trích lập dự phòng nhằm thu hẹp khoảng cách với chuẩn mực quốc tế sẽ bắt đầu có hiệu lực vào tháng 6/2014.



“Đẩy nhanh tiến độ giải quyết nợ xấu sẽ đòi hỏi phải đặt ra các mục tiêu rõ ràng, chắc chắn cũng như lộ trình thu hẹp khoảng cách giữa chuẩn mực trong nước và quốc tế, đồng thời tăng cường năng lực cho các cơ quan thực thi,” ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam nói.



Theo ghi nhận từ Báo cáo, tiền Đồng Việt Nam vẫn khá ổn định trong năm 2013. Sự ổn định của tỷ giá là nhờ vào lạm phát giảm, tình hình cán cân kinh tế đối ngoại mạnh lên và lãi suất thực dương. Một yếu tố hỗ trợ khác nữa chính là việc Ngân hàng Nhà nước chủ động trung hòa hóa lượng cung tiền dư thừa thông qua việc phát hành tín phiếu Ngân hàng Nhà nước.



Tuy nhiên, Báo cáo cũng nhấn mạnh, tăng trưởng tín dụng còn chậm cho đến tận cuối năm 2013, khi một số ngân hàng tăng tín dụng tạm thời để thực hiện chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 12%. Nguyên nhân là do nợ xấu còn cao, tốc độ cải cách ngân hàng chậm chạp và cầu tín dụng yếu.



“Những biện pháp kích thích tín dụng hiện nay vẫn chưa có kết quả, do phía cầu chứ không phải phía cung vì ngân hàng khó nhận diện được doanh nghiệp có hoạt động kinh doanh tốt và đáp ứng nhu cầu của ngân hàng,” chuyên gia Dominic Mellor của ADB nhấn mạnh.



Trả lời câu hỏi về việc trần room của nhà đầu tư nước ngoài tại các ngân hàng là 30%, ông Dominic cho rằng, việc tăng trần lên 30% là bước đi đúng hướng, tuy nhiên theo ông Dominic, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn thấy triển vọng ở thị trường Việt Nam và muốn tham gia thêm vì họ coi là đây là cơ hội đầu tư lâu dài. Chính vì vậy, theo vị chuyên gia này, Việt Nam nên nới rộng trần hơn nữa để thu hút nhà đầu tư nước ngoài.



Báo cáo của ADB cũng đánh giá cao việc Ngân hàng Nhà nước thành lập Công ty Quản lý Tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), trong năm 2014, VAMC dự định mua tương đương 4,8 tỷ USD nợ xấu từ các ngân hàng.



Chuyên gia ADB cho rằng, một số thách thức mà VAMC đang đối mặt là xây dựng đủ năng lực để tiến hành các hoạt động tái cơ cấu nợ phức tạp và thực thi nhiệm vụ của mình với số vốn ban đầu ít ỏi 24 triệu USD. Các cơ chế hiệu quả để định giá và đấu giá nợ xấu cũng như đấu giá các tài sản thế chấp vẫn chưa được ban hành.




Ngoài ra, cần sửa đổi khuôn khổ quản lý nhà nước và pháp luật phá sản để VAMC có thể xử lý nợ và tài sản thế chấp liên quan một cách kịp thời.



“Khi các ngân hàng xử lý nợ xấu, họ sẽ vẫn cần bơm thêm vốn, tuy nhiên vẫn còn chưa rõ khi nào họ sẽ được tái cấp vốn và bằng cách nào. Việc tái cấp vốn cho các ngân hàng và cải cách doanh nghiệp Nhà nước cần được tiến hành đồng thời với việc xử lý nợ xấu,” ông Dominic nhấn mạnh./.


Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: