Ngày 14/4, truyền thông Bồ Đào Nha đưa tin chính phủ nước này sẽ cân nhắc đề nghị của các chủ nợ quốc tế kéo dài chương trình cứu trợ tài chính đến 29/6 tới.



Theo dự kiến, Bồ Đào Nha sẽ nhận khoản giải ngân cuối cùng trong gói cứu trợ quốc tế vào ngày 17/5 tới, nhưng Ủy ban châu Âu (EC) vừa thông báo muốn kéo dài chương trình này vì 'lý do kỹ thuật' và sự cần thiết phải tiến hành 'đánh giá toàn diện' về tình hình tài chính của Bồ Đào Nha.



Sau khi Bồ Đào Nha ký kết chương trình cứu trợ tài chính trị giá 78 tỷ euro (101 tỷ USD) với 'bộ ba' chủ nợ là Liên minh châu Âu (EU), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hồi tháng 5/2011, chính phủ nước này đã thực thi một loạt chính sách khắc khổ, cắt giảm chi tiêu công và tăng thuế để giảm thâm hụt ngân sách và đạt được cân bằng tài chính.



Mặc dù nợ công hiện vẫn ở mức 130% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP), nhưng Bồ Đào Nha đã có dấu hiệu cải thiện nền kinh tế, với mức tăng trưởng dự báo 0,4% trong năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp cũng đã giảm xuống 15,4% so với mức 17,7% đầu năm ngoái.



EC cam kết rằng việc trì hoãn đợt giải ngân cuối cùng cho Bồ Đào Nha không liên quan đến yếu tố chính trị. Thủ tướng Bồ Đào Nha Paulo Portas sẽ gặp các đảng phái chính trị vào ngày 21/4 tới để thảo luận các chương trình cải cách của quốc gia.



Các chương trình cải cách này đang bị Đảng Xã hội đối lập kịch liệt phản đối vì thực chất đây là kế hoạch tư nhân hóa các doanh nghiệp công./.




Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: