Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)


Từ đầu năm đến nay, hoạt động của các ngân hàng và tổ chức tín dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã có dấu hiệu khởi sắc trở lại.



Nguồn huy động vốn tăng, các ngân hàng có nhiều tiền, nhưng hiện các doanh nghiệp vẫn không thể vay được vốn. Đây là nghịch lý cần phải khắc phục khi ngân hàng cho rằng nguyên nhân nằm ở doanh nghiệp.



Thừa tiền nhưng thiếu vốn



Tính đến hết tháng 4/2014, tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng tại Thành phố Hồ Chí Minh đạt khoảng 1.880.000 tỷ đồng (tăng 1,47% so với năm 2013; tăng 12,57% so với cùng kỳ năm trước). Tổng dư nợ tín dụng đạt khoảng 965.000 tỷ đồng (tăng 8,14% so với cùng kỳ năm 2013).



Ông Tô Duy Lâm, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết gần đây tình hình tín dụng trên địa bàn thành phố đã có những chuyển biến tích cực. Dù đã điều chỉnh lãi suất huy động giảm, nhưng nguồn vốn huy động vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng.



Bên cạnh đó, sau hai tháng đầu năm tín dụng tăng trưởng âm (tháng Một giảm 0,41%, tháng Hai giảm 0,28%), tín dụng tháng 3- 4/2014 đã tăng trưởng dương và xu hướng sẽ tiếp tục tăng ổn định.



Tuy nhiên, chuyên gia kinh tế Trần Du Lịch lại cho rằng dù nguồn vốn huy động tăng, các ngân hàng đang thừa tiền, nhưng doanh nghiệp rất khó tiếp cận được nguồn vốn, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ.



Nhiều doanh nghiệp phản ánh, đã không vay được vốn lại còn thường xuyên bị ngân hàng đòi nợ.



Theo đại diện các ngân hàng, sở dĩ xảy ra tình trạng trên là do các ngân hàng phải “đắn đo,” chọn lọc đối tượng cho vay.

Hiện có ba nhóm đối tượng gồm doanh nghiệp hoạt động ổn định, tăng trưởng tốt thường không có nhu cầu vay; doanh nghiệp đang khó khăn nhưng có khả năng phục hồi, có nhu cầu vay cao; doanh nghiệp gần như không thể phục hồi, đang có nợ xấu nên không tiếp cận vốn.



Trong đó, nhóm 2 được các ngân hàng phân loại rất kỹ mới dám cho vay, đây chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Lãnh đạo Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho biết khó khăn lớn nhất là xem xét cho vay đối với nhóm 2. Ngân hàng có tiền và muốn cho vay, nhưng ngặt nỗi nguy cơ rủi ro, mất vốn khá cao.
Trong khi đó, ông Phan Huy Khang, Tổng Giám đốc Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết hiện tìm doanh nghiệp có dự án tốt rất khó. Nếu doanh nghiệp có kế hoạch vượt khó tốt, ngân hàng không có gì phải ngại.




Tuy nhiên, phần lớn các doanh nghiệp cần vốn hiện nay lại không đủ các yếu tố trên, do đó ngân hàng phải “cân đo” rất nhiều, và để an toàn đa số các ngân hàng chọn giải pháp không dám cho vay vì thiếu tài sản bảo đảm, dự án không khả thi.
Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp



Với nguồn vốn huy động đang tăng, việc các ngân hàng muốn cho vay là thực tế. Ông Phạm Quang Thuần, Phó Tông giám đốc Ngân hàng Việt Á, cho rằng ngân hàng cũng là doanh nghiệp đi vay về để cho vay nhằm tìm lợi nhuận.

Vì vậy, ngân hàng không cho vay chủ yếu vì các doanh nghiệp không đủ điều kiện.
Trong bối cảnh nền kinh tế hiện nay, nếu cứ áp dụng các cơ chế theo lúc đang thịnh vượng thì doanh nghiệp và ngân hàng rất khó gặp nhau. Do đó, nên điều chỉnh một số cơ chế tín dụng trong một giai đoạn nhất định để khai thông nguồn vốn.



Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó điều chỉnh giảm lãi suất để các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, tái đầu tư để vượt qua khủng hoảng.



Tuy nhiên, theo các ngân hàng, việc giảm lãi suất đang mất dần tính hiệu nghiệm, khi các doanh nghiệp không biết đầu tư vào lĩnh vực nào, nên không dám mở rộng đầu tư trong giai đoạn nền kinh tế khó khăn.



Phản ánh tình trạng từ chối khách hàng hiện nay khá cao (khoảng 8/10 khách hàng) vì chi tiết, phương án kinh doanh của doanh nghiệp không “sáng,” Tổng Giám đốc Ngân hàng An Bình (ABBank) Phạm Duy Hiếu cho rằng khi ngân hàng dư thừa vốn, dù phải cho vay lãi suất thấp, chịu lỗ thì cũng sẽ cho vay vì giữ lại càng lỗ nặng hơn.

Do đó, vấn đề không phải chủ yếu do lãi suất, mà do “sức khỏe” của doanh nghiệp không đảm bảo để ngân hàng cho vay.
Trong thời gian tới, Nhà nước cần có biện pháp kích cầu, mở rộng hơn thị trường tiêu thụ, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất. Khi các doanh nghiệp sản xuất, vận hành trở lại mới mở rộng đầu tư với các dự án khả thi hơn.



Theo ông Tô Duy Lâm, tín dụng sẽ tiếp tục tập trung vào sản xuất kinh doanh và hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trong đó khoản tín dụng cũ có lãi suất cao tiếp tục được các ngân hàng thương mại trên địa bàn điều chỉnh giảm.



Ngoài ra, dư nợ tăng trưởng cũng được tập trung cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh.



Tính đến ngày 17/4, dư nợ cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh (cho vay năm lĩnh vực, ngành kinh tế ưu tiên là nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ) với lãi suất dưới 8%/năm đạt 135.071 tỷ đồng, tăng 6,96% so với cuối năm 2013.



Nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp, Thành phố Hồ Chí Minh đang đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối doanh nghiệp-ngân hàng tại các quận, huyện.



Tính từ đầu năm 2014 đến nay, đã có 9/24 quận, huyện tổ chức được các đợt ký kết với tổng số vốn tín dụng cam kết 6.421 tỷ đồng (294 khách hàng), lãi suất ở mức 7%/năm đối với cho vay ngắn hạn và tối đa 11%/năm đối với cho vay trung, dài hạn.



Trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh thành phố sẽ phối hợp với Ban quản lý các Khu chế xuất-Khu công nghiệp triển khai thực hiện chương trình kết nối ngân hàng-doanh nghiệp cho đối tượng là doanh nghiệp hoạt động trong Khu chế xuất-Khu công nghiệp.



Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cho rằng hiện có những doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động tốt, nhưng quản lý tài chính còn yếu kém nên không đáp ứng điều kiện cho vay của ngân hàng. Vì vậy cần lập một Trung tâm hỗ trợ cho vay đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ.



Đồng thời, ngân hàng nên chuyển hướng sang cho vay đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ để khắc phục tình trạng ngân hàng thừa tiền, doanh nghiệp thiếu vốn./.


Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: