Ảnh minh họa. (Nguồn: RIA Novosti)


Ngày 15/7, Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 6 Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) khai mạc tại thành phố Fortaleza của Brazil nhằm thống nhất các điều khoản cuối cùng về việc thành lập ngân hàng và quỹ dự trữ chung.



Theo chương trình nghị sự, tại hội nghị kéo dài ba ngày này, 5 quốc gia thành viên của BRICS tiến hành thảo luận và dự kiến sẽ công bố quỹ dự trữ chung với quy mô ban đầu 100 tỷ USD theo mô hình Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) nhằm đối phó các cuộc khủng hoảng tài chính.



Các nước cũng cân nhắc việc thành lập Ngân hàng Phát triển BRICS - theo mô hình của Ngân hàng Thế giới (WB) - với số vốn hoạt động lên đến 50 tỷ USD và tỷ lệ góp vốn chia đều cho mỗi thành viên.



Mục đích của ngân hàng này là cung cấp các khoản vay cho các dự án phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng tại các nước đang phát triển. Hiện các nước chưa thống nhất về địa điểm đặt trụ sở chính của ngân hàng tương lai với các phương án lựa chọn gồm Thượng Hải (Trung Quốc), Moskva (Nga), New Delhi (Ấn Độ) và Johannesburg (Nam Phi).



Giới phân tích nhận định việc ngân hàng và quỹ dự trữ của BRICS ra đời xuất phát từ nỗi thất vọng trước việc Mỹ, 'cổ đông' đóng góp tài chính lớn nhất và có quyền phủ quyết các quyết định của IMF, đã từ chối thông qua một gói các cải cách sâu rộng về hoạt động, cơ cấu bỏ phiếu và quản trị của quỹ nhằm hỗ trợ các nước gặp khó khăn về tài chính.



Ngoài ra, việc WB và IMF cho vay tiền luôn kèm theo các điều kiện ràng buộc nghiêm ngặt cũng là một trong những nguyên nhăn khiến BRICS nỗ lực thoát khỏi ảnh hưởng đó bằng cách thành lập quỹ dự trữ và ngân hàng riêng.



Thông qua việc thành lập Ngân hàng Phát triển BRICS, các nước thành viên sẽ có nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng và công cụ tín dụng để đối phó với các cuộc khủng hoảng tài chính. Bên cạnh đó, quỹ ngoại hối có tác dụng như một cơ chế để các nước thành viên có thể hỗ trợ lẫn nhau trong trường hợp xảy ra khủng hoảng.



Trước đó, tại cuộc gặp ngày 14/7 giữa Tổng thống Brazil Dilma Rousseff và người đồng cấp Nga Vladimir Putin trước thềm hội nghị, hai nhà lãnh đạo cũng đã bày tỏ sự ủng hộ thành lập một ngân hàng phát triển nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế tại các nước thành viên thuộc BRICS.



Phát biểu tại cuộc gặp, Tổng thống Rousseff đã nhấn mạnh vị trí và vai trò của BRICS trên thế giới cũng như lợi ích chung của Brazil và Nga trong việc góp phần đưa IMF trở thành một 'định chế tài chính đa phương thực sự'.



Trong khi đó, Tổng thống Putin cũng cho biết hai bên đã thảo luận và chia sẻ quan điểm thống nhất về các vấn đề quốc tế quan trọng.



Về quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Nga và phương Tây liên quan tới cuộc khủng hoảng tại Ukraine, trước thềm hội nghị BRICS, Tổng thống Putin cho biết ông muốn các nước thành viên còn lại nhất trí với các biện pháp ngăn chặn 'các cuộc công kích trừng phạt' của Mỹ nhằm vào các nước phản đối chính sách của Washington.



Ông cũng đồng thời cho rằng BRICS nên hợp tác tích cực hơn tại Liên hợp quốc và phối hợp chặt chẽ trong nỗ lực chung đối phó với các mối đe dọa an ninh./.




Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: