Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước Trung Quốc (SAFE) cho biết dự trữ ngoại tệ của nước này tính đến cuối tháng 11/2015 giảm xuống mức “đáy” trong gần 3 năm, mà theo giới chuyên gia, do tình trạng "chảy" vốn ồ ạt khi thị trường “tiên lượng” đồng nhân dân tệ sẽ giảm giá trong thời gian tới.

Số liệu của SAFE cho thấy lượng dự trữ ngoại tệ lớn nhất thế giới của nước này tính đến cuối tháng 11 giảm 87,2 tỷ USD so với tháng trước đó xuống còn 3.440 tỷ USD.

Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2013, khi con số này ở mức 3.400 tỷ USD và cũng thấp hơn dự đoán trung bình của thị trường ở mức 3.490 tỷ USD. Tính từ đầu năm đến cuối tháng 11, dự trữ ngoại tệ của Trung Quốc đã giảm tổng cộng 404,7 tỷ USD.

Trước đó, ngày 30/11, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) loan báo đồng nhân dân tệ của Trung Quốc hội đủ điều kiện để đưa vào giỏ tiền tệ dự trữ quốc tế kể từ ngày 1/10/2016.

Quyết định này đã đưa nhân dân tệ vào nhóm các đồng tiền tạo thành giỏ tiền tệ dự trữ chính thức của IMF - hiện gồm đồng USD, đồng euro, bảng Anh và yen Nhật.

Tuy nhiên theo ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia phân tích thuộc công ty nghiên cứu Capital Economics, chính tâm lý quan ngại đồng nhân dân tệ sẽ giảm giá trong thời gian tới sau khi gia nhập giỏ tiền tệ dự trữ quốc tế nói trên đã khiến dòng vốn Trung Quốc ào ạt chảy ra - nguyên nhân khiến dự trữ ngoại tệ giảm mạnh.

Ông Julian ước tính dòng vốn ròng chảy khỏi Trung Quốc tính đến hết tháng 11 đạt mức cao kỷ lục 113 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức 37 tỷ USD trong tháng 10.

Chưa dừng lại ở đó, Cơ quan Hải quan Trung Quốc cũng mới vừa công bố thêm loạt số liệu kinh tế kém khả quan của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Theo đó, kim ngạch ngoại thương trong tháng 11 giảm 4,5% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 2.160 tỷ nhân dân tệ (337 tỷ USD), đánh dấu tháng suy giảm thứ 9 liên tiếp.

Xuất khẩu giảm 3,7% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 1.250 tỷ nhân dân tệ (khoảng 200 tỷ USD), trong khi đó nhập khẩu giảm 5,6% xuống còn 910 tỷ nhân dân tệ (khoảng 145 tỷ USD).

Kim ngạch thương mại giữa Trung Quốc với các đối tác thương mại lớn nhất như Liên minh châu Âu (EU), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), và Nhật Bản trong tháng 11 cũng giảm. Chỉ riêng với Mỹ, con số này tăng nhẹ gần 2%./.

Các chủ đề cùng chuyên mục: