Trong những năm qua, đặc biệt là trong giai đoạn 2011-2015, ngành ngân hàng Việt Nam đã tích cực và chủ động hội nhập kinh tế, có nhiều đóng góp quan trọng vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội.

Trước yêu cầu hội nhập quốc tế, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã không ngừng nỗ lực, củng cố quan hệ hợp tác với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế; tìm kiếm mở rộng quan hệ với các đối tác tiềm năng nhằm tăng cường huy động, hỗ trợ cả về tài chính và kỹ thuật cho Việt Nam.

Đó là nhận định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Kim Anh tại Hội thảo “Phát triển kinh tế-xã hội và ngành ngân hàng Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế” do Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ tổ chức sáng 8/12, tại Hà Nội.

Phó Thống đốc cũng nhận định, thời gian qua, trong phát triển hội nhập, đặc biệt là sự quyết liệt trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, ngành ngân hàng đã tạo được sự phát triển theo hướng hiện đại, vững mạnh, có khả năng cạnh tranh và hội nhập với các nước trong khu vực và quốc tế, tạo niềm tin đến công chúng và các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài, đồng thời nâng cao uy tín trên trường quốc tế.

Với chức năng và nhiệm vụ của mình, Ngân hàng Nhà nước đã kết hợp điều hành hợp lý chính sách tiền tệ, tỷ giá và quản lý vốn, qua đó thúc đẩy dự trữ ngoại hối gia tăng đáng kể trong giai đoạn 2012-2014, tạo nguồn lực “vật chất” quan trọng hỗ trợ ngược trở lại cho công tác quản lý ngoại hối và ổn định tỷ giá, đóng góp lớn vào việc ổn định kinh tế vĩ mô tại Việt Nam trong thời gian qua.

Điểm đáng chú ý là giai đoạn từ năm 2012 trở lại đây, chính sách tiền tệ của Việt Nam đạt được sự độc lập cao trong điều kiện tỷ giá hối đoái ổn định, tự do hóa luồng vốn mở rộng hơn cùng với sự gia tăng đáng kể dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, theo tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) được ký kết, Việt Nam sẽ chứng kiến nhiều sản phẩm của các ngân hàng nước ngoài mà không cần nhìn thấy cơ sở hoạt động của họ tại Việt Nam.

Người tiêu dùng cũng sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn hơn bởi tính đa dạng của dịch vụ ngân hàng.

Bối cảnh này đòi hỏi các ngân hàng thương mại Việt Nam phải sẵn sàng và chủ động tham gia vào quá trình hội nhập vì khi đó thị trường trong nước không còn mức bảo hộ cao như trước, sẽ phải cạnh tranh khốc liệt hơn không chỉ trên sân nhà mà trên phạm vi toàn cầu.

Tiến sỹ Nguyễn Hồng Sơn cũng cho rằng, tình hình mới đó đòi hỏi Ngân hàng Nhà nước phải chủ động điều chỉnh và tạo dựng môi trường pháp lý thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, xây dựng các khuôn khổ chính sách quản lý thích hợp đảm bảo cho hệ thống ngân hàng hoạt động hiệu quả và chống đỡ kịp thời với các cú sốc có thể từ bên ngoài.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cần phải tiếp tục tái cơ cấu một cách mạnh mẽ và quyết liệt để xây dựng một hệ thống ngân hàng uy tín, có năng lực cạnh tranh và hoạt động tín dụng an toàn với khả năng huy động tốt mọi nguồn lực trong xã hội để đầu tư có hiệu quả./.

Các chủ đề cùng chuyên mục: