Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 3/12 đã công bố gói kích thích kinh tế mới cho Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), theo đó sẽ điều chỉnh chính sách lãi suất và đẩy mạnh các biện pháp nới lỏng định lượng.

Tuy nhiên, các biện pháp kích thích được thông báo đã không đáp ứng được kỳ vọng của nhà đầu tư và vì vậy đã gây ra biến động lớn trên các thị trường tài chính.

ECB quyết định hạ lãi tiền gửi của các ngân hàng thương mại xuống -0,3% (từ mức -0,2% hiện nay), trong khi duy trì lãi suất tái cấp vốn và lãi suất cho vay thanh khoản ở các mức tương ứng hiện nay là 0,05% và 0,3%.

ECB cũng quyết định kéo dài chương trình mua tài sản (APP) trị giá 60 tỷ euro/tháng thêm sáu tháng, cho tới cuối tháng 3/2017, thậm chí là sau đó nhằm giúp ổn định nền kinh tế và duy trì lạm phát ở ngưỡng mục tiêu dưới 2%.

ECB cũng sẽ tái đầu tư các khoản trả nợ gốc đến kỳ hạn theo chương trình APP chừng nào còn cần thiết.

Ngoài ra, ECB mở rộng diện trái phiếu mua trong chương trình kích thích tới, bao gồm cả trái phiếu của chính quyền các khu vực trong Eurozone.

Đồng thời, ECB sẽ tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp chống giảm phát tùy thuộc vào điều kiện kinh tế.

Cùng với các quyết định trên, ECB cũng đã nâng nhẹ mức dự báo tăng trưởng trong năm 2015 của Eurozone lên 1,5%, từ mức 1,4%, và trong năm 2017 lên 1,9%, từ mức 1,8%. Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng trong năm 2016 vẫn được giữ nguyên ở mức 1,7%.

Ngoài ra, ECB cũng hạ dự báo lạm phát trong khu vực trong hai năm tới xuống lần lượt là 1% và 1,6%.

Tuy nhiên, mức cắt giảm lãi suất tiền gửi như trên là không nhiều như kỳ vọng. Nhiều nhà phân tích thị trường đã dự đoán lãi suất này phải được hạ xuống -0,4%.

Trong quyết định của mình, ECB cũng chọn việc kéo dài APP, thay vì là tăng quy mô như được dự đoán.

Thông báo của ECB về gói kích thích nêu trên của ECB đã tác động tới các thị trường chứng khoán. Tại thị trường chứng khoán Frankfurt, chỉ số hàng đầu DAX đã có lúc sụt giảm xuống 10.780 điểm và chốt phiên ở mức 10.789 điểm, giảm 3,6%.

Chỉ số MDAX cũng giảm 2,51%, chốt phiên ở mức 20.850 điểm. Trong khi tại Mỹ, chỉ số công nghiệp Dow Jones và chỉ số công nghệ Nasdaq cũng đều sụt giảm.

Trên thị trường tiền tệ, chốt phiên 3/12 tại Frankfurt, đồng euro đã tăng giá lên mức cao nhất trong bốn tuần qua so với đồng USD, với tỷ giá trao đổi 1 euro = 1,0894 USD, trong khi trước khi có thông báo của ECB, đồng tiền này bị kéo xuống gần 1,05 USD/euro./.

Các chủ đề cùng chuyên mục: