Nền kinh tế phục hồi ổn định, tỷ lệ thất nghiệp thấp kỷ lục là những điều kiện cho phép Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cân nhắc việc sớm nâng lãi suất.

Rất có thể, quyết định về vấn đề này sẽ được đưa ra tại cuộc họp vào tháng 12 tới của Fed - Ngân hàng trung ương Mỹ .

Nhưng trong khi Mỹ đang đến gần với việc thắt chặt chính sách tiền tệ, thì châu Âu không có lý do gì để theo bước Fed, thay đổi lập trường chính sách tiền tệ hiện nay.

Chính sách tiền tệ nới lỏng mà Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đang thực hiện có thể còn phải được tăng cường hơn, trong bối cảnh lạm phát quá thấp, giữa lúc có lo ngại về tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại.

Tại cuộc họp cũng vào tháng 12, ECB có thể xem xét lại các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế.

Fed để ngỏ cánh cửa thắt chặt chính sách tiền tệ

Tại cuộc họp vào cuối tháng 10, Fed đã để ngỏ cánh cửa siết chặt chính sách tiền tệ tại cuộc họp vào tháng 12 tới.

Theo kết luận của Fed, chi tiêu của các hộ gia đình Mỹ và đầu tư doanh nghiệp đang tăng một cách vững vàng trong mấy tháng qua, trong khi lĩnh vực xây dựng nhà ở cũng được cải thiện.

Fed cũng không nhắc lại việc các rủi ro toàn cầu có thể sẽ tác động tới nền kinh tế Mỹ như sau cuộc họp hồi tháng Chín.

Tuy nhiên, hoạt động xuất khẩu của nền kinh tế số một thế giới vẫn khá ảm đạm, tỷ lệ lạm phát tiếp tục thấp hơn mức mục tiêu 2% mà Fed đề ra về trung hạn.

Fed lưu ý rằng tăng trưởng việc làm tại Mỹ vẫn khá chậm chạp và tỷ lệ thất nghiệp chưa sụt giảm.

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ ngày 4/11, Chủ tịch Fed Janet Yellen đánh giá các hoạt động kinh tế của Mỹ hiện nay là vững vàng, nền kinh tế được cho là sẽ tiếp tục tăng trưởng ở nhịp độ đủ để thị trường việc làm phục hồi hơn nữa và đưa lạm phát lên mức mục tiêu 2% trong trung hạn.

Chủ tịch Fed nói rằng nếu các số liệu kinh tế sắp tới cho thấy chiều hướng đó thì việc tăng lãi suất vào tháng 12 tới là có thể.

Tuy nhiên, bà cho biết lãi suất sẽ tăng chậm để có thể giữ vững đà phục hồi của nền kinh tế, đảm bảo rằng thị trường nhà ở và các thị trường chủ chốt khác sẽ không bị hẫng vì lãi suất tăng.

Bộ Lao động Mỹ ngày 6/11 công bố báo cáo cho biết số việc làm mới được tạo ra tại nước này trong tháng 10 là 271.000, cao gần gấp đôi con số 142.000 việc làm trong tháng tháng Chín và 90.000 việc làm theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, và tỷ lệ thất nghiệp trong tháng giảm xuống 5%, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2008.

Số liệu việc làm này đã cho thấy sự vững vàng của kinh tế Mỹ giữa lúc kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại cũng như việc thị trường việc làm đang được lấp đầy hơn, hai dấu hiệu mà Fed đang chờ trước khi quyết định có nâng lãi suất tại cuộc họp chính sách tháng 12 tới hay không.

Các thị trường coi báo cáo việc làm này là đèn xanh để Fed quyết định nâng lãi suất tại cuộc họp sắp tới.

Về kế hoạch tăng lãi suất của Fed, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định Mỹ và nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với những rủi ro.

IMF cho rằng lãi suất của Mỹ tăng có thể châm ngòi cho những thay đổi lớn trong luồng vốn đầu tư toàn cầu và khiến thị trường bất ổn, cũng có thể đẩy đồng USD lên giá, gây hiệu quả tiêu cực với xuất khẩu của Mỹ.

IMF kêu gọi Fed thận trọng trong quyết định nâng lãi suất, đồng thời cảnh báo rằng việc thắt chặt tiền tệ quá nhanh có thể phản tác dụng và làm giảm uy tín của thể chế này.

ECB sẵn sàng hành động nếu cần thiết

Tại cuộc họp cũng vào cuối tháng 10, Hội đồng điều hành ECB đã thảo luận về một loạt các biện pháp có thể được thực hiện để kích thích nền kinh tế.

Các thành viên hội đồng cho rằng sự kết hợp giữa các biện pháp chính sách, có thể bao gồm việc hạ lãi suất tiền gửi và tăng cường chương trình mua tài sản, sẽ là cách hiệu quả.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau cuộc họp, Chủ tịch ECB Mario Draghi nói rằng ECB “sẵn sàng hành động nếu cần thiết," một khi tình trạng tăng trưởng chậm lại của các nền kinh tế mới nổi đe dọa sự phục hồi kinh tế của Khu vực sử đồng euro (Eurozone).

Ông Draghi nói rằng cần phải xem xét lại các biện pháp kích thích tăng trưởng kinh tế trong cuộc họp tháng 12 tới, nhấn mạnh ECB sẵn sàng điều chỉnh “quy mô, cơ cấu và thời hạn” của chương trình nới lỏng định lượng (QE) đang được thực hiện nhằm kích thích kinh tế và thúc đẩy lạm phát.

Khả năng ECB phải hành động càng gia tăng sau những phát biểu của ba nhà hoạch định chính sách chủ chốt của ECB vào cuối tháng 10.

Theo thành viên Ban điều hành của ECB, Benoit Coeure, ECB có thể sẽ phải giảm lãi suất tiền gửi nếu nhận thấy lạm phát tăng chậm hơn dự kiến.

Trong khi đó, Phó Chủ tịch Vitor Constancio nói rằng ECB sẽ vẫn duy trì mức lãi suất thấp và tiếp tục mở rộng bản quyết toán thông qua việc mua tài sản cho đến khi lạm phát tăng đáng kể.

Nhà kinh tế trưởng của ECB Peter Praet thì nói ECB có nhiệm vụ sử dụng mọi công cụ có trong tay để hoàn thành nhiệm vụ nếu không có thể đánh mất sự tin cậy vào chính sách được thực hiện.

ECB đang gặp khó khăn trong việc đưa lạm phát từ mức gần 0% hiện nay lên mức mục tiêu 2%, khi từ tháng 11/2014 đến nay, giá tiêu dùng không vượt quá 0,3%.

Trong thời gian tới, dự báo lạm phát tại Eurozone sẽ vẫn tiếp tục ở mức thấp như hiện nay.

Theo khảo sát của ECB, lạm phát sẽ chưa đạt mục tiêu cho đến năm 2017. Các chuyên gia phân tích cho rằng ngoài việc giá tiêu dùng sụt giảm, mối lo tăng trưởng kinh tế toàn cầu đang chậm lại cũng là nguyên nhân khiến thị trường kỳ vọng vào một động thái nới lỏng tiền tệ hơn nữa của ECB.

ECB bắt đầu thực hiện chương trình QE từ tháng 3/2015 và dự kiến kéo dài đến tháng 9/2016.

Nhưng trong tình hình hiện nay, nhiều nhà kinh tế tin rằng tại cuộc họp vào tháng 12 tới đây, ECB sẽ công bố quyết định kéo dài chương trình QE qua mùa Thu sang năm.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Standard & Poor's dự báo ECB có thể phải mở rộng quy mô gói QE lên gấp đôi mức hiện nay.

Một số chuyên gia nhận định ECB có thể tăng quy mô chương trình này lên mức 70-90 tỷ euro mỗi tháng, so với mức 60 tỷ euro hiện nay, hoặc có thể kéo dài việc thực hiện đến sau thời điểm kết thúc theo dự kiến./.

Các chủ đề cùng chuyên mục: