Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde. (Nguồn: IMF/TTXVN)


Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đang cân nhắc khả năng xem xét và cải cách phương thức tái cơ cấu nợ quốc gia trong bối cảnh Argentina đang cận kề nguy cơ vỡ nợ lần hai trong vòng 13 năm qua.



Phát biểu trước báo giới tại Washington ngày 29/7, Tổng Giám đốc IMF Christine Lagarde cho biết thể chế này đang theo dõi chặt chẽ tình hình cũng như phân tích hậu quả nếu Argentina vỡ nợ.



Bà Lagarde cũng để ngỏ khả năng xem xét lại các nguyên tắc tái cơ cấu nợ quốc gia và tính hiệu quả của các điều khoản ứng xử tương đồng ('collective action clauses') nếu quốc gia Nam Mỹ này tuyên bố vỡ nợ.



Điều khoản ứng xử tương đồng quy định nếu 90% nhà đầu tư đồng ý với một phương án giải quyết nợ nào đó thì những nhà đầu tư còn lại bắt buộc phải tuân theo.



Trong trường hợp của Argentina, 92,4% số chủ nợ đã đồng ý tham gia chương trình tái cơ cấu của Argentina, theo đó chấp nhận mất 70% giá trị số trái phiếu họ đang giữ để được Chính phủ Argentina thanh toán phần còn lại.



Tuy nhiên, hai quỹ đầu tư NML Capital và Aurelius Capital Management của Mỹ đã từ chối tham gia chương trình tái cơ cấu nợ trên, đồng thời buộc quốc gia Nam Mỹ này phải thanh toán 1,3 tỷ USD với hạn chót ngày 30/7 theo phán quyết của tòa án Mỹ.



Trong một nỗ lực vào phút chót nhằm tìm cách tháo gỡ thế bế tắc hiện nay, cùng ngày, Bộ trưởng Kinh tế Axcell Kiciloff và Bộ trưởng Tài chính Pablo Lopez cùng các luật sư của Argentina đã đến New York, Mỹ để tiếp tục đàm phán với các quỹ đầu tư nói trên.



Trao đổi với báo giới trước đó một ngày, luật sư Dan Pollack, trung gian đối thoại giữa Argentina và các chủ nợ Mỹ, cho rằng đối thoại trực tiếp có vai trò rất quan trọng trong bối cảnh tình hình ngày càng nghiêm trọng và không còn nhiều thời gian.



Trước đó cùng ngày, một nhóm các chủ nợ mà phần lớn là các quỹ đầu tư châu Âu đã yêu cầu Thẩm phán Tòa án quận New York Thomas Griesa hoãn thi hành phán quyết thêm một thời gian nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho Argentina thu xếp thanh toán các khoản nợ.



Các chủ nợ này cũng khẳng định sẵn sàng bỏ qua điều khoản RUFO, theo đó tất cả các chủ nợ của Argentina đều được đối xử bình đẳng.



Trong khi đó, hàng loạt các nhà lãnh đạo Nam Mỹ ngày 29/7 cũng đã thể hiện sự ủng hộ đối với Chính quyền của Tổng thống Argentina Cristina Ferrnandez, đồng thời chỉ trích các chủ nợ là những 'kẻ đầu cơ tài chính' đe dọa toàn khhu vực.



Phát biểu tại cuộc họp thượng đỉnh các quốc gia thuộc Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) đang diễn ra tại thủ đô Caracas của Venezuela, Tổng thống nước chủ nhà Nicolas Maduro khẳng định sự đoàn kết giữa các nước trong khối với Argentina trong vụ việc này.



Cùng chung quan điểm trên, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff nhấn mạnh nguy cơ vỡ nợ mà Argentina đang phải đối mặt không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định của nước này mà còn là mối đe dọa đối với hệ thống tài chính quốc tế.



Nhà lãnh đạo Brazil kêu gọi xây dựng các nguyên tắc rõ ràng và một hệ thống đảm bảo sự công bằng trong quá trình tái cơ cấu nợ.



Trước viễn cảnh Argentina tuyên bố vỡ nợ, trang web Abeceb.com dự báo sự kiện này sẽ khiến cho kinh tế nước này tăng trưởng âm 3,5%, lạm phát lên mức 41% và chỉ số tiêu dùng sẽ giảm 3,8% vào cuối năm.



Nhà phân tích kinh tế của IHS Country Risk Carlos Caicedo cho rằng một cú vỡ nợ nữa có thể phá giá đồng peso, hiện đã mất giá 20% kể từ tháng Một, điều này sẽ châm ngòi cho lạm phát và giá cả tăng mạnh.



Tuy nhiên, bất chấp các dự báo trên, Chính phủ Argentina đã bác bỏ những dự đoán bi quan về việc kinh tế sẽ sụp đổ sau vỡ nợ.



Chánh Văn phòng Tổng thống Jorge Capitanich cho biết thặng dư thương mại của Argentina và các thỏa thuận đầu tư mới đây giữa nước này với Trung Quốc sẽ đảm bảo nguồn tiền mặt cho Argentina kể cả khi nước này vỡ nợ.



Nhiều nhà kinh tế cũng đồng ý rằng hậu quả của đợt vỡ nợ lần này sẽ nhỏ hơn so với đợt vỡ nợ năm 2001 vì tiềm lực kinh tế của Buenos Aires hiện nay khá hơn so với cách đây 13 năm./.




Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: