Bộ trưởng Kinh tế Argentina Axel Kicillof khẳng định Buenos Aires sẽ không ký với các “quỹ kền kền” bất kỳ thỏa thuận nào gây tổn hại cho tương lai đất nước. (Nguồn: Bộ Kinh tế Argentina)


Việc một số “quỹ kền kền” thông qua tòa án Mỹ ngăn Argentina không được thanh toán cho các chủ trái phiếu chấp nhận tham gia tái cơ cấu nợ sau khi Buenos Aires tuyên bố vỡ nợ năm 2001 đang đe dọa quá trình tái cấu trúc nợ trên thế giới, đồng thời gây trở ngại lớn cho nỗ lực trở lại thị trường tài chính của nền kinh tế lớn thứ ba Mỹ Latinh này.



Nhờ kinh tế phục hồi sau khi bị vỡ nợ khoảng 100 tỷ USD cách đây 13 năm, vụ vỡ nợ lớn nhất thế giới, Chính phủ Argentina đã triển khai hai đợt tái cơ cấu nợ vào các năm 2005 và 2010. Những người chủ của 92,4% số trái phiếu đã chấp thuận đáo nợ và có trường hợp chấp thuận chỉ nhận gần 30% giá trị mặt của trái phiếu. Trong số các chủ của 7,6% số trái phiếu còn lại, có một số quỹ đầu tư đầu cơ, đứng đầu là NML Capital và Aurelius Capital Management, đã kiện Argentina tại Tòa án New York (Mỹ) đòi được thanh toán trái phiếu nợ theo mệnh giá.



Các quỹ đầu cơ này bị Argentina gọi là những “quỹ kền kền” vì chỉ bỏ ra 48 triệu USD mua trái phiếu với giá rẻ mạt so với giá trị mặt tại thị trường thứ cấp trong bối cảnh Buenos Aires sắp bị vỡ nợ, sau đó từ chối tham gia tái cơ cấu nợ và thông qua kiện tụng tại tòa án đòi được thanh toán trái phiếu theo giá mặt, cùng tiền lãi và tiền phạt, với số tiền ước lên tới 1,5 tỷ USD.



Theo phán quyết của thẩm phán Mỹ Thomas Griesa, Argentina không được tiếp tục thanh toán cho các chủ trái phiếu đã đồng ý đáo nợ nếu không đồng thời trả toàn bộ nợ gốc và lãi cho các “quỹ kền kền.” Vị thẩm phán này đã phong tỏa số tiền 539 triệu USD mà Argentina chuyển vào tài khoản của Ngân hàng New York cuối tháng Sáu vừa qua để trả cho các chủ trái phiếu chấp nhận đáo nợ (tuy nhiên, sau đó đã cho phép “giải phóng” một phần số tiền này).



Buenos Aires không thể đáp ứng đòi hỏi của các “quỹ kền kền” vì theo một điều khoản trong các thỏa thuận tái cơ cấu nợ, nếu trả nợ các “quỹ kền kền” theo giá mặt trái phiếu thì sẽ đối mặt với nguy cơ bị các chủ trái phiếu không tham gia tái cơ cấu nợ và các chủ đã chấp nhận đáo nợ kiện yêu cầu cũng được thanh toán trái phiếu theo đúng mệnh giá. Trong trường hợp này, Argentina sẽ phải trả một số tiền khổng lồ có chuyên gia ước tính có thể lên tới 250 tỷ USD.



Do thực hiện chính sách hội nhập Mỹ Latinh, tăng cường quan hệ với các nước cánh tả tại khu vực, trong đó có Venezuela, Argentina bị các lực lượng cánh hữu trong và ngoài nước tìm cách công kích, gây bất ổn và bôi nhọ hình ảnh. Các thế lực này rêu rao việc Buenos Aires không thể hoàn thành cam kết trả nợ do sự can thiệp của tòa án Mỹ là một vụ “vỡ nợ,” bất chấp thực tế là từ năm 2005 tới nay, Argentina đã trả 190 tỷ USD nợ nước ngoài trong bối cảnh không được tiếp cận thị trường tín dụng quốc tế, và có khả năng tài chính để tiếp tục hoàn thành cam kết thanh toán cho các chủ trái phiếu đã đồng ý đáo nợ.



Để thể hiện thiện chí và tiềm lực tài chính của mình, hôm 28/7, Argentina đã trả trước hạn chót số tiền 642 triệu USD cho Câu lạc bộ Paris. Đây là khoản tiền đầu tiên Buenos Aires thanh toán cho nhóm này theo thỏa thuận giải quyết món nợ 9,5 tỷ USD hai bên đạt được hồi cuối tháng Năm vừa qua.



Các “quỹ kền kền” đưa ra hơn 900 vụ kiện chống lại Argentina trên khắp thế giới, tuy nhiên đã thất bại gần như hoàn toàn. Tháng 12/2012, Tòa án Tối cao Bỉ đã ra phán quyết dỡ bỏ lệnh phong tỏa tài khoản ngân hàng của Argentina tại Bỉ theo yêu cầu của “quỹ kền kền” NML Capital, đồng thời buộc quỹ đầu tư này phải chịu toàn bộ án phí trong vụ kiện Argentina chưa thanh toán trái phiếu đã mua trước khi Buenos Aires tuyên bố vỡ nợ.



Cũng trong năm 2012, Tòa án quốc tế về Luật Biển tại thành phố Hamburg (Đức) đã ra phán quyết yêu cầu Ghana thả một chiếc tàu chiến của Argentina bị bắt nợ tại nước này căn cứ đề nghị của NML Capital, vì theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, tàu chiến được quy chế miễn trừ chủ quyền.



Mới đây Buenos Aires lại mời các 'quỹ kền kền” tham gia tái cơ cấu nợ với các điều kiện đã được áp dụng trong các đợt tái cơ cấu nợ trước đó, theo đó các quỹ này thu được lợi nhuận 300%. Tuy nhiên, các quỹ đầu cơ này tiếp tục từ chối, vì theo Tổng thống Argentina Cristina Fernández, họ muốn lợi nhuận lên tới mức 1.600%.



Các cuộc tấn công của các “quỹ kền kền” diễn ra trong bối cảnh Argentina nỗ lực bình thường hóa quan hệ với cộng đồng tài chính quốc tế, thể hiện qua việc chủ động thanh toán nợ với Câu lạc bộ Paris, bồi thường 5 tỷ USD do quốc hữu hóa cổ phần của tập đoàn dầu mỏ Repsol của Tây Ban Nha, bồi thường 677 triệu USD cho một số quỹ đầu tư nước ngoài cho phép khép lại các vụ kiện Buenos Aires tại Trung tâm giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế của Ngân hàng Thế giới (ICSID).



Argentina đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi trong nỗ lực chống lại các quỹ đầu tư đầu cơ. Nhóm các nền kinh tế mới nổi BRICS (Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi), Liên minh các nước Nam Mỹ (Unasur), Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR), Tổ chức các nước châu Mỹ (OAS), và G-77, nhóm tập hợp nhiều nước mắc nợ, đã lên tiếng ủng hộ Argentina và kêu gọi thiết lập một trật tự tài chính mới không bị chi phối bởi các quỹ kền kền cấu kết với các thế lực chính trị.



Theo một số nhà phân tích, các “quỹ kền kền” không chỉ gây hại cho Argentina mà còn cho hệ thống tài chính quốc tế. Thậm chí Quỹ Tiền tệ Quốc tế và một số tổ chức tín dụng cũng cảnh báo hành động của các “quỹ kền kền” với sự hỗ trợ của ngành tư pháp Mỹ gây bất ổn trật tự tài chính quốc tế.



Ông Stiglitz, từng đoạt giải thưởng Nobel kinh tế, ví phán quyết của ông Griesa như là một “quả bom Mỹ ném xuống hệ thống kinh tế toàn cầu,” có thể làm trì hoãn hoặc kéo dài quá trình tái cơ cấu nợ và làm gia tăng bần cùng tại một số nước.



Ngày 31/7, hơn 100 nhà kinh tế của nhiều nước, trong đó có nhân vật đã đoạt giải thưởng Nobel kinh tế Robert Solow, đã gửi thư kêu gọi Quốc hội Mỹ hành động ngay lập tức để tìm ra giải pháp nhằm giảm nhẹ tác động tiêu cực của phán quyết của tòa án Mỹ./.




Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: