Ở thời điểm hiện tại, cộng đồng DOTA 2 nước ta là một trong số những cộng đồng game thủ lớn mạnh và có số lượng đông đảo nhất nhờ vào việc game rất dễ tiếp cận



Đã từ lâu, khi cộng đồng game thủ Việt Nam, đặc biệt là những cậu sinh viên, học trò hàng ngày sau giờ học cùng kéo nhau tới những quán game để thưởng thức game cùng nhau, WarCraft 3 cùng những map đấu custom sau này của nó là Dday Judgment, và đặc biệt hơn cả, DotA đã trở thành một trong những phần không thể thiếu trong danh sách những tựa game cần phải thưởng thức, bên cạnh những AoE, CS, StarCraft cũng như những game online…

Sở hữu gameplay yêu cầu kỹ năng cá nhân cũng như bao quát trận đấu cao, map custom DotA cũng như DOTA 2 của Valve về sau đã trở thành một trong những tựa game được rất nhiều game thủ tại Việt Nam cũng như trên thế giới. Hàng loạt những giải đấu lớn, quy tụ những cái tên đỉnh cao của làng eSport thế giới cũng được tổ chức thường xuyên, tạo điều kiện cho cộng đồng DOTA 2 (hiện nay) được chứng kiến những cuộc so tài đỉnh cao từ những Gosu mà họ hằng ngưỡng mộ.

Ở thời điểm hiện tại, cộng đồng DOTA 2 nước ta là một trong số những cộng đồng game thủ lớn mạnh và có số lượng đông đảo nhất nhờ vào việc game rất dễ tiếp cận, tài game và thưởng thức miễn phí. Chính vì những lý do ban đầu như vậy, mà cộng đồng game thủ Việt hâm mộ DOTA 2 cũng rất hy vọng rằng một ngày nào đó DOTA 2 sẽ được một nhà phát hành đem về thị trường Việt Nam, giống như Tencent và Nexon đã lần lượt làm được tại thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc. Thế nhưng, để làm được điều này không hề đơn giản một chút nào.


Tuy nhiên chẳng ai nỡ đánh thuế giấc mơ cả. Nếu một ngày đẹp trời DOTA 2 được chính thức phát hành tại mảnh đất hình chữ S, thì nhà phát hành game online Việt Nam nào sẽ đủ sức cáng đáng cả tựa game có chiều sâu gameplay như thế này, đảm bảo nó hoạt động hoàn hảo tại thị trường nước nhà, cùng lúc chăm sóc cho cộng đồng hâm mộ DOTA 2 tại nước ta?

Những nhà phát hành lớn

Vào đầu năm 2013, không ít trang tin game tại Việt Nam đã rầm rộ đưa ra những tin đồn về việc DOTA 2 đã và đang được đàm phán để mua về thị trường nước ta. Theo thông tin vào thời điểm đó, công ty E-Club Malaysia đã bắt đầu tiến hành những bước đầu tiên nhằm thiết lập máy chủ DotA 2 riêng biệt tại Việt Nam vào cuối năm 2013.

Nhiều nguồn tin do giới thạo tin cũng như cộng đồng hâm mộ tựa game này đưa ra, đặc biệt có những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực eSports cũng nhiều lần úp mở về khả năng này. Tuy nhiên từ đó tới nay, thông tin DotA 2 sở hữu server riêng tại Việt Nam đã chìm không một dấu vết, để lại cho cộng đồng game thủ một dấu hỏi lớn.

Hiện tại xét về tiềm lực tài chính cũng như khả năng hoạt động, thì những cái tên lớn của làng game online Việt như VNG, VTC hay thậm chí là cả… Garena đều có khả năng đưa DOTA 2 về Việt Nam vận hành.

Về phần VTC, họ đang sở hữu ESV, một trong những studio rất mạnh về eSports với những caster có chất lượng chuyên về mảng DOTA 2. Nhiều năm trở lại đây VTC cũng rất tích cực phát triển cộng đồng eSports tại Việt Nam với nhiều game online như World of Tanks, Đột Kích, Warface…

Còn VNG, hiện tại họ sở hữu nền tảng streaming TalkTV và CCTalk đều là các cổng streaming game lớn tại Việt Nam nên có đà thuận lợi cho dạng game kiểu DOTA 2. Bản thân rất nhiều caster hay studio mạnh tại nước ta cũng đều đi lên từ nền tảng streaming được rất nhiều người biết đến này.

Garena? Nếu Garena phát hành DOTA 2 tại Việt Nam sẽ khá vô lý vì bản thân nhà phát hành này đã và đang rất thành công với Liên Minh Huyền Thoại. Nhưng trong một bài viết có phần hư cấu cao như thế này, sẽ không có gì tai hại khi thử tưởng tưởng Garena phát hành cả DOTA 2 tại Việt Nam. Nếu điều đó xảy ra, thì nhà phát hành này chắc chắn sẽ là “ông vua” theo đúng nghĩa đen của làng eSports nước nhà.

Chính bản thân Valve

Với tình yêu DOTA 2 mãnh liệt, không ít game thủ Việt đã tự tay Việt hóa nội dung game. Như chúng tôi đã từng đưa tin, sau hàng loạt thông tin về những dự án sắp ra mắt của Valve, người hâm mộ DOTA 2 tại Việt Nam lại tiếp tục đón nhận thêm một tin vui khi một nhóm các bạn trẻ đã quyết định thực hiện dự án biên dịch, Việt hóa tựa game DOTA 2, với mục đích tạo ra sự thú vị cũng như mới mẻ cho cộng đồng Việt Nam.


Bản thân những bản Việt hóa này cũng được đánh giá rất cao. Trước đây từng có những thông tin cho rằng DOTA 2 mở server riêng cho Việt Nam đang được Valve bố trí xem xét lại sau khi xuất hiện một số giải đấu dành riêng cho người Việt có chất lượng rất tốt và tính chuyên nghiệp cao như DOTA 2 Việt Nam Champion League và DOTA 2 Tournament. Theo dự kiến thì hãng sẽ đưa ra thông tin chính thức sau giải đấu đỉnh cao thường niên The International 4.

Thế nhưng hiện tại The International 5 đã kết thúc, và server Việt hóa của DOTA 2 vẫn chỉ nằm trên giấy tờ và những lời đồn của cộng đồng mê DOTA 2 nước nhà. Tuy nhiên không phải vì thế mà phương án này bị bỏ qua. Với một thị trường nhỏ như Việt Nam, sẽ cần rất lâu để chúng ta có thể chứng minh rằng chúng ta cần một server riêng, và nếu trở thành hiện thực, thì việc Valve tự nhúng tay để phát hành DOTA 2 tại nước ta hoàn toàn không phải điều “hư cấu”.

Nhưng…

Có lẽ không cần phải phân tích sâu xa, game thủ nào cũng có thể nhận ra rằng trong khoảng thời gian gần 2 năm vừa qua, tựa game MOBA thu hút được sự chú ý lớn nhất của cộng đồng game thủ nước ta chính là Liên Minh Huyền Thoại. Sở hữu không ít những ưu điểm chiều lòng đại bộ phận game thủ như dễ tiếp cận, yêu cầu cấu hình nhẹ nhàng… LMHT đã và đang trở thành tựa game MOBA nói riêng cũng như game online nói chung được game thủ Việt ưa chuộng nhất.

Chính vì lẽ đó, khi đưa DotA 2 về Việt Nam, bất kỳ NPH nào cũng phải đứng trước nhiều thách thức như thu hút cộng đồng game thủ đến với tựa game, nhằm phổ biến MOBA đình đám này tại thị trường trong nước. Ấy là chưa kể, để đạt được thỏa thuận với Valve, sức mạnh tài chính cũng như khả năng hoạt động của những doanh nghiệp này cũng là điều vô cùng cần thiết, vì một trong những nhà phát triển game hàng đầu thế giới chẳng dễ dàng gì trao con cưng của họ vào tay một NPH không đủ thực lực cả.

Những nhà phát hành game trong nước cũng nhận ra một điều, lối chơi của DotA 2 không hề dễ làm quen cũng như tiếp cận. Điều này trái ngược hoàn toàn với thói quen chơi game với yêu cầu tiên quyết là dễ làm quen và dễ thưởng thức như của game thủ Việt ở thời điểm hiện tại. Không ít game thủ tìm đến game để có những phút thư giãn thoải mái, chứ không phải try hard nhằm cố gắng giành chiến thắng.


Gamek

Các chủ đề cùng chuyên mục: