Nhìn lại một năm kể từ vụ phá sản của ngân hàng đầu tư Mỹ Lehman Brothers,
chuyên gia kinh tế Pháp Bertille Bayart cho rằng dấu ấn của 'thảm họa' này vẫn
còn in đậm cho đến ngày nay, thể hiện ở những hậu quả để lại đối với nền kinh tế
thế giới.



Nhận định với tờ 'Le Figaro', ông Bertille cho rằng sự phá sản của Lehman
Brothers chính là 'ngòi nổ' của một cuộc khủng hoảng lớn. Nó dồn các thị trường
tài chính - vốn đã lúng túng từ khi xảy ra khủng hoảng tín dụng thứ cấp một năm
trước đó - rơi vào hoảng loạn thực sự. Nó khiến dòng chảy tài chính đóng băng
hoàn toàn và đẩy hệ thống ngân hàng vào tình trạng nguy hiểm, có nguy cơ sụp đổ
theo hiệu ứng đôminô trên một khu vực rộng lớn.



Mặc dù cái tên Lehmen Brothers đã bị xóa trên bản đồ tài chính ngân hàng thế
giới từ ngày 15/9/2008, song hậu quả của nó đối với nền kinh tế thế giới cho đến
nay vẫn chưa thể khắc phục hết, vì phía sau khủng hoảng tài chính là khủng hoảng
kinh tế. Nhu cầu về tín dụng cạn kiệt, khả năng cung cấp vốn của các ngân hàng
giảm. Các nhà sản xuất gặp khó khăn khi phải giải tỏa một khối lượng lớn hàng
tồn đọng. Điều này dẫn đến sự đình trệ trong sản xuất, khiến khu vực việc làm bị
ảnh hưởng đột ngột và mạnh mẽ.



Chính phủ phải tiếp sức bằng các chính sách kích thích kinh tế qui mô lớn mà mục
tiêu là ưu tiên những lĩnh vực bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong đó có ngành công
nghiệp ôtô.



Chuyên gia Bertille cho rằng 'bóng tối' của Lehman Brothers sẽ bao
trùm Hội nghị thượng đỉnh G-20 (Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi), dự
kiến họp vào ngày 24 và 25/9 tại Pittsburgh (Mỹ).



Không thiếu dẫn chứng cụ thể để tổng kết năm đen tối này. Ngay ở Pháp - nước vốn
xa khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, nhà nước đã phải bảo lãnh gần 8 tỉ euro nợ
ngân hàng và 'bơm' thêm vào hệ thống ngân hàng khoảng 25 tỉ euro tiền vốn.



Thâm
hụt ngân sách ngành tài chính công mới đây đã vượt 100 tỉ euro, trong khi tỷ lệ
thất nghiệp đã ở mức 9,1% và có thể lên đến 10% vào năm 2010./.





Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: