Tính đến ngày 9/9, đã có 40 đợt phát hành trái phiếu bằng tiền đồng và 2
đợt phát hành trái phiếu bằng ngoại tệ do Chính phủ bảo lãnh phát hành trong năm
2009. Tuy nhiên, mới chỉ có 2.310 tỷ đồng và 230 triệu USD được huy động.



Có 36 đợt phát hành trái phiếu tiền đồng hoàn toàn thất bại khi không thu được
một đồng nào. Lần phát hành gần đây nhất nối dài chuỗi phiên phát hành không
thành công là ngày 9/9, do Công ty Đầu tư Phát triển Đường cao tốc Việt
Nam phát hành 1.000 tỷ đồng nhu cầu trái phiếu chia đều cho hai kỳ hạn 3 năm và
5 năm hoàn toàn không được bán ra phần nào.



Phần lớn số tiền phát hành (2.000 tỷ đồng) được tập trung ở kỳ hạn 2 năm (kỳ hạn
ngắn nhất) thông qua Ngân hàng Chính sách Xã hội, phát hành trong tháng 6 với
lãi suất bình quân là 8,93%/năm.



Nguyên nhân trực tiếp dễ nhận thấy của sự thất bại trong huy động vốn bằng trái
phiếu của Chính phủ là lãi suất không hấp dẫn.



Trong hầu hết các đợt phát hành, lãi suất trần mà tổ chức phát hành đưa ra đều
thấp hơn lãi suất thấp nhất mà các nhà thầu đăng ký. Tính trung bình qua các đợt
phát hành, mức chênh lệnh này là 0,88%/năm.



Thông thường, trái phiếu Chính phủ được coi là loại chứng khoán phi rủi ro về
mặt thanh khoản trên thị trường tài chính. Tuy nhiên, nếu lãi suất của loại công
cụ nợ này không đủ lớn để chiến thắng được mức bù rủi ro lãi suất mà thị trường
yêu cầu thì các nhà đầu tư sẽ không mặn mà với việc “ôm” vào loại chứng khoán
này.



Rủi ro lãi suất trong giai đoạn hiện nay chủ yếu là khả năng giảm lãi suất thực
do lạm phát có thể xảy ra.



Các thành viên tham gia đấu thầu trái phiếu Chính phủ chủ yếu là các ngân hàng
thương mại. Trong thời gian vừa qua cũng như hiện nay, các ngân hàng thương mại
cạnh tranh khá quyết liệt trong lĩnh vực huy động tiền gửi nhằm tài trợ cho các
khoản tín dụng mở rộng theo mục tiêu gói kích thích kinh tế của Chính phủ và để
đề phòng khả năng lạm phát có thể xảy ra. Cuộc cạnh tranh này đã đẩy mặt bằng
lãi suất huy động lên cao và vô hình chung đẩy lãi suất yêu cầu của các tổ chức
này đối với lãi suất trái phiếu lên cao.



Vậy tại sao các tổ chức phát hành vẫn cứ “khăng khăng” giữ mức lãi suất không
hấp dẫn với các nhà đầu tư qua nhiều lần “kiên trì” tổ chức đấu thầu, nhưng
không thành.



Một số chuyên gia phân tích kinh tế cho rằng Chính phủ không sẵn sàng với mức
lãi suất huy động trái phiếu đủ cao do chi phí cơ hội từ việc chậm giải ngân
lớn. Thực tế, theo thông tin từ ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong sáu tháng đầu
năm 2009, Chính phủ mới chỉ giải ngân được khoảng 27% so với kế hoạch 37.000 tỷ
đồng vốn trái phiếu Chính phủ ban đầu.



Tình trạng chậm giải ngân trong lĩnh vực đầu tư công xưa nay vẫn tồn tại dai
dẳng do những bất cập cố hữu về cơ chế. Tuy nhiên hiện nay đang là giai đoạn đặc
biệt, một số vướng mắc có thể được giải quyết đặc cách nhằm khai thông cho dòng
vốn chảy nhanh nhất vào khu vực sản xuất qua đó kích thích cả tổng cầu và tổng
cung.



Có ý kiến cho rằng, để giải quyết tình thế cấp thiết, trong ngắn hạn, Chính phủ
nên chấp nhận mức lãi suất cao nhằm huy động được vốn cho các gói kích thích
kinh tế.



Nhu cầu huy động vốn để tài trợ cho các gói kích thích kinh tế là không hạn chế.
Trong số các kênh huy động tiền để tài trợ cho mục tiêu cấp thiết trên, phát
hành trái phiếu là kênh tối ưu hơn cả so với phát hành tiền do tính chất “tiện
ích kép” của nó, đó là vừa huy động được tiền, vừa góp phần kìm chế lạm phát do
không làm tăng tổng phương tiện thanh toán.



Tuy nhiên, Chính phủ không thể huy động trái phiếu bằng mọi giá do có sự xung
đột với mục tiêu kích thích tín dụng của chính sách tiền tệ hiện nay. Cùng với
gói hỗ trợ lãi suất, việc duy trì lãi suất cơ bản 7%/năm đối với cho vay kinh
doanh là để tạo mặt bằng chi phí vốn thấp cho các doanh nghiệp.



Đây chính là rào cản đối với lãi suất trái phiếu. Chính phủ không thể áp dụng
hai hệ thống lãi suất thiếu thống nhất cũng giống như người ta không thể duy trì
hai mực nước chênh lệch giữa hai bình thông nhau. Mặt khác, Chính phủ cũng không
thể làm điều duy ý chí là “đông cứng” thị trường tài chính.



Biết trước những bất cập nan giải đối với lãi suất trái phiếu, các nhà phát hành
trái phiếu Chính phủ vẫn kiên trì tổ chức đấu thầu với “hi vọng” sẽ “khớp” được
với danh mục đầu tư của một nhà thầu nào đó.



Trong lúc đang cần vốn để kích thích kinh tế nhưng thất bại trong việc huy động
bằng phát hành trái phiếu, Chính phủ đã đạt được thỏa thuận vay 500 triệu USD từ
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Khoản cho vay này đã được ADB chính thức phê
duyệt hôm 15/9/2009. Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước, Bộ
Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nghiên cứu phương án giải ngân khoản vay có
thời hạn 5 năm này.



Ngoài việc góp phần bổ sung nguồn vốn cho gói kích thích kinh tế, khoản ngoại tệ
500 triệu USD này cũng được hy vọng sẽ góp phần vào việc bình ổn thị trường
ngoại hối vẫn còn chưa “hạ nhiệt”./.





Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: