Sau một thời gian dài “căng thẳng”, thị trường ngoại hối đã có dấu hiệu bình ổn
trở lại. Nhiều doanh nghiệp đã chịu bán USD cho ngân hàng, tình trạng găm giữ
ngoại tệ đã giảm hẳn.



Tín hiệu tích cực



Từ đầu năm tới tháng 8, thị trường ngoại hối đã nhiều lần rơi vào tình trạng
“căng thẳng”, doanh nghiệp lo ngại tỷ giá tăng cao nên không “mặn
mà” với việc vay vốn bằng USD. Nhưng nhu cầu mua ngoại tệ của doanh nghiệp thì
lại vượt xa khả năng bán của các ngân hàng thương mại, thị trường tự do “được
thể” đẩy giá USD có lúc lên tới gần 18.500 đồng/USD.



Tuy nhiên, sau những biện pháp ổn định thị trường của Ngân hàng Nhà nước
trong những tháng gần đây, thị trường ngoại hối hiện nay đã có những chuyển biến
tích cực.



Theo Ngân hàng Nhà nước, trong tháng 8, cơ quan này đã thực hiện đồng bộ các
giải pháp để đảm bảo ổn định thị trường ngoại tệ, tăng cường công tác thông tin,
tuyên truyền và chống buôn bán ngoại tệ trái phép để hạn chế tâm lý găm giữ
ngoại tệ.



Nhờ có những giải pháp tích cực này, thị trường ngoại tệ trong tháng đã có
chuyển biến tích cực, nguồn cung ngoại tệ và tính thanh khoản của thị trường
được cải thiện đáng kể.



Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã tìm đến ngân hàng vay vốn
bằng ngoại tệ, thay vì chỉ tìm cách mua USD thanh toán, ngừa rủi ro tỷ giá như
những tháng trước. Một số ngân hàng thương mại cũng đang tích cực thu hút vốn
ngoại tệ bằng cách tăng lãi suất huy động.



Điều này cho thấy chính sách điều hành tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước đang có
những tín hiệu tốt cho thị trường ngoại hối. “Thời gian gần đây, nhiều doanh
nghiệp xuất khẩu đã chịu bán USD cho ngân hàng, các doanh nghiệp sản xuất, nhập
khẩu đã mạnh dạn vay vốn bằng USD”, ông Nguyễn Hòa Bình - Chủ tịch Hội đồng quản
trị của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, cho biết.



Yên tâm về tỉ giá



Trước đây, vì lo ngại về tỉ giá, trong một thời gian dài, nhiều doanh nghiệp
đã không dám vay vốn bằng ngoại tệ. Nhưng trước sự khẳng định luôn giữ tỉ giá ổn
định từ nay tới cuối năm của Ngân hàng Nhà nước, nhiều doanh nghiệp đã mạnh dạn
chuyển sang vay vốn bằng USD.



“Chính sách điều hành tỉ giá của Ngân hàng Nhà nước trong thời gian qua đã
giúp thị trường ngoại hối “giảm nhiệt”, doanh nghiệp dễ thở hơn, nỗi 'ám ảnh' về
rủi ro tỉ giá đang mất dần”, ông Nguyễn Văn Tấn - Giám đốc Công ty thực phẩm
Thông Tấn, cho biết.



Theo ông Tấn, hiện mức lãi suất cho vay USD của các ngân hàng khoảng 4,5%/năm
là chấp nhận được. Sắp tới, công ty này dự định vay 500.000USD để nhập khẩu vật
tư, thiết bị phục vụ sản xuất hàng cuối năm.



“Với lãi suất USD hiện nay, cộng thêm rủi ro tỉ giá là 5% nữa thì doanh
nghiệp vẫn chịu được”, ông Mai Huy Tân, Giám đốc Công ty Thực phẩm Đức-Việt cho
biết. Theo ông Tân, doanh nghiệp này định vay 1 triệu USD để mua máy móc, thiết
bị phục vụ sản xuất dài hạn, còn trước mắt sẽ vay 100.000USD để nhập khẩu thêm
máy móc sản xuất thực phẩm phục vụ nhu cầu cuối năm.



Cái khó đối với doanh nghiệp là hiện nay các tài sản thế chấp đã nằm cả ở các
khoản vay trước, muốn vay mới phải đợi các tài sản đến thời kỳ đáo hạn. Theo ông
Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB):
“Ngân hàng Nhà nước gửi thông điệp sẽ cam kết giữ vững tỉ giá đã làm cho nhiều
doanh nghiệp yên tâm hơn khi chuyển sang vay vốn bằng ngoại tệ. Hơn nữa, trong
vài tháng gần đây, tỉ giá có biến động nhưng không nhiều cũng là một động lực
giúp các doanh nghiệp yên tâm khi vay vốn bằng USD”.



Mặt khác trước đây, các doanh nghiệp không vay ngoại tệ một phần cũng là do
vay vốn bằng VND được hưởng hỗ trợ lãi suất. Nhưng đến nay, chương trình hỗ trợ
lãi suất cũng sắp kết thúc nên doanh nghiệp đã quay sang vay vốn bằng USD, vì
lãi suất vay USD thấp hơn nhiều so với vay bằng VND.



Hiện nhiều doanh nghiệp xuất khẩu không còn găm giữ ngoại tệ trên tài khoản
mà đã bán cho ngân hàng, tuy nhiên nhu cầu vay ngoại tệ lớn hơn nên các ngân
hàng phải tăng lãi suất huy động.



“Những tháng cuối năm là thời điểm nhu cầu vay
vốn bằng ngoại tệ tăng đáng kể. Các doanh nghiệp đang cần USD để nhập khẩu nguyên liệu, thiết bị phục vụ sản
xuất hàng Tết. Do vậy, các ngân hàng phải tăng lãi suất huy động để thu hút thêm
vốn ngoại tệ”, lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho biết.



Theo Ngân hàng Nhà nước, quyết định giảm mạnh lãi suất huy động và cho vay
USD từ giữa năm tới nay đã phát huy tác dụng tích cực. Tình trạng găm giữ ngoại
tệ giảm hẳn, người dân và doanh nghiệp đã bắt đầu bán ra USD, chuyển sang gửi
tiền bằng VND để có lãi suất cao hơn; tỉ giá khá ổn định thời gian qua và lãi
suất thấp cũng kích thích nhu cầu vay ngoại tệ tăng trở lại./.





Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: