Theo Ngân hàng Nhà nước, cơ chế hỗ trợ lãi suất thời gian qua đã đạt được mục
tiêu là hỗ trợ doanh nghiệp, hộ sản xuất duy trì sản xuất-kinh doanh, mở rộng
đầu tư, giảm giá thành để tăng khả năng cạnh tranh, tạo việc làm, góp phần quan
trọng thực hiện mục tiêu hàng đầu là ngăn chặn suy giảm kinh tế.



Đây là một trong những giải pháp kích thích kinh tế được lựa chọn tối ưu với chi
phí thấp, phù hợp với điều kiện của Việt Nam.



Ngân hàng Nhà nước điều hành chính sách tiền tệ nới lỏng một cách thận trọng,
tạo điều kiện cho doanh nghiệp và hộ sản xuất tiếp cận vốn vay với lãi suất thấp
(4%-6,5%/năm sau khi được hỗ trợ lãi suất) để sản xuất-kinh doanh trong điều
kiện nền kinh tế suy giảm.



Việc tăng vốn cho mở rộng đầu tư phát triển sản xuất-kinh doanh và đẩy mạnh xuất
khẩu là rất cần thiết nhưng đây cũng là nhân tố tác động làm cho tăng trưởng tín
dụng ở mức cao (9 tháng qua là 29,3%).



Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước cũng thừa nhận, cơ chế hỗ trợ lãi suất có một số
quy định chưa phù hợp với thực tế và trong những tháng cuối năm 2009, một số
biểu hiện mặt chưa tích cực của hỗ trợ lãi suất đã bộc lộ.



Cụ thể như cơ chế cho vay hỗ trợ lãi suất đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông
thôn kết quả đạt thấp là do có sự trùng lắp về đối tượng hỗ trợ lãi suất, thủ
tục cho vay chặt chẽ và việc xử lý các vướng mắc của các bộ, ngành còn chậm.



Bên cạnh đó, việc triển khai cơ chế hỗ trợ lãi suất trong ngắn hạn, trên phạm vi
cả nước, đối tượng thụ hưởng rộng, gây khó khăn cho công tác thanh tra, giám sát
của các bộ, ngành. Không những thế, việc làm này cũng phát sinh khối lượng lớn
công việc và chi phí đối với ngân hàng thương mại.



Lãi suất cho vay hỗ trợ lãi suất ở mức tương đương lãi suất cho vay bằng USD và
thấp hơn lãi suất tiền gửi có kỳ hạn hiện nay đã tác động làm tăng trưởng tín
dụng ở mức cao, gây sức ép tăng lãi suất và tỷ giá, có thể phát sinh các hiện
tượng lợi dụng cơ chế để trục lợi.



Mặt khác, đối tượng thụ hưởng là doanh nghiệp, hộ sản xuất thuộc nhiều lĩnh vực,
ngành kinh tế, nếu kéo dài sẽ phát sinh tâm lý ỷ lại, giá cả và lợi nhuận sản
phẩm không phản ánh đúng năng suất, hiệu quả của hoạt động sản xuất-kinh doanh
và sẽ ảnh hưởng lớn đến tính cạnh tranh và phát triển bền vững.



Kết quả thanh, kiểm tra tại 272 chi nhánh của 52 ngân hàng thương mại, thanh tra
Ngân hàng Nhà nước đã kiến nghị xử lý 355,69 tỷ đồng, gồm nợ gốc là 309,9 tỷ
đồng, số tiền lãi được hỗ trợ là 45,79 tỷ đồng.



Đến 30/9/2009, các ngân hàng thương mại đã chấm dứt việc hỗ trợ lãi suất đối với
số nợ gốc, thu hồi 3,56 tỷ đồng tiền lãi. Số tiền lãi còn phải thu hồi là 42,23
tỷ đồng, các ngân hàng thương mại có trách nhiệm tiếp tục thu hồi hết trong thời
gian tới.



Ngân hàng Nhà nước khẳng định sẽ giữ ổn định lãi suất cơ bản, lãi suất tái cấp
vốn và tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong khoảng thời gian trên và điều hành tỷ giá
trong mối quan hệ với lãi suất, chỉ số giá tiêu dùng, cán cân thanh toán quốc
tế; điều chỉnh linh hoạt tỷ giá giao dịch bình quân liên ngân hàng tăng hoặc
giảm ở mức độ hợp lý, phù hợp với tín hiệu của thị trường, có sự điều tiết của
nhà nước, đảm bảo mục tiêu ổn định giá trị tiền VND./.





Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: