Nhiều doanh nghiệp đang hồ hởi đón nhận thông tin Chính phủ sẽ kéo dài thời gian
hỗ trợ lãi suất đến hết quý I/2010, dù mức lãi suất chỉ còn 2%.



Tuy nhiên, không
ít nhà ban hành chính sách và doanh nghiệp quan ngại về vấn đề làm thế nào để
vốn hỗ trợ đến được đúng đối tượng thụ hưởng.



Kéo dài bao lâu thì đủ?



Nhiều doanh nghiệp rất phấn khởi với chương trình kéo dài thời gian hỗ trợ
lãi suất của Chính phủ. Vì tính cả những tháng còn lại của năm 2009 thì khoảng
thời gian hỗ trợ sẽ kéo dài gần 6 tháng.



Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia Lê Đức Thúy, cho biết những biện
pháp hỗ trợ thêm cho nền kinh tế nhằm tạo bước đệm, tránh cú sốc khi gói kích
cầu thứ nhất hết hiệu lực, để nền kinh tế tăng trưởng bền vững hơn.



Cùng bàn về vấn đề này, ông Võ Trí Thành, Viện phó Viện Nghiên cứu và Quản
lý kinh tế Trung ương, cho biết tiếp tục hỗ trợ vừa giúp doanh nghiệp
giảm sốc, lại không quá lo lắng về thời gian trả nợ, đồng thời không bị áp lực
chi phí vốn tăng đột ngột.



Một trong những điểm đáng chú ý trong lần hỗ trợ lãi suất này, mức hỗ trợ
giảm còn 2% thay vì 4% như hiện nay.



Theo Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ, kéo
dài thời gian hỗ trợ và giảm hỗ trợ lãi suất xuống 2% là hợp lý. Nếu rút hỗ trợ
ngay, họ sẽ bị hẫng vì vốn ít, sức cạnh tranh thấp.



Ngoài vốn, cũng cần tạo môi
trường, tạo điều kiện tốt để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, như tìm thị
trường, xúc tiến thương mại, giảm thủ tục hành chính, nâng cao trình độ kỹ
thuật, cải thiện hạ tầng…



Tuy nhiên, một trong những mối quan tâm của doanh nghiệp là nếu tính theo
thời gian, lần hỗ trợ này chỉ vẻn vẹn 3 tháng đầu năm 2010.



Bà Lê Hải Liễu, Giám
đốc Công ty gỗ Đức Thành cho rằng: “Việc Chính phủ kéo dài thời gian hỗ trợ sẽ
giúp Đức Thành tiếp tục đẩy mạnh sản xuất, tăng năng lực cạnh tranh, tiết kiệm
được chi phí đầu vào, làm cho giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn. Tuy nhiên, thời
gian hỗ trợ thêm 3 tháng là hơi ngắn”.



Trong khi đó, ông Mai Huy Tân, Giám đốc Công ty cổ phần Đức Việt lại nêu
quan điểm, lúc này, doanh nghiệp đang trong giai đoạn hồi sức lại được thêm
“liều thuốc bổ”, kéo dài thời gian hỗ trợ thêm 3 tháng nữa thì doanh nghiệp sẽ
phục hồi nhanh hơn.



“Tuy nhiên, liều thuốc nào cũng chỉ dùng vừa phải. Nếu chương trình hỗ trợ
kéo dài thì sẽ gây bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Vì vậy, thời gian hỗ trợ
thêm 3 tháng là hợp lý. Đây chỉ là vay vốn lưu động, nếu muốn đầu tư sản xuất
thì doanh nghiệp phải vay chương trình dài hạn”, ông Tân cho biết thêm.



Khó chọn đối tượng



Một yếu tố quan trọng hơn mà gói kích thích kinh tế mở rộng phải tính đến là
đối tượng được thụ hưởng. Nhiều người cho rằng điểm yếu của gói kích thích kinh
tế hiện nay cũng đang nằm ở chỗ này. Phần lớn đối tượng tiếp cận được hỗ trợ lãi
suất là các doanh nghiệp lớn, còn các doanh nghiệp vừa và nhỏ thì vẫn kêu khó
tiếp cận nguồn tín dụng ngân hàng.



Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, cách thức cho vay, hỗ trợ lãi suất sẽ
không thay đổi. Khó nhất là xác định đối tượng sau khi thu hẹp đối tượng. Doanh nghiệp nào
sẽ hỗ trợ tiếp, doanh nghiệp nào không được phải có hướng dẫn cụ thể.



Trong thời gian qua, giá chứng khoán tăng gấp đôi, bất động sản tăng mạnh
trong khi sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xuất khẩu… đều không đạt như kỳ
vọng, điều đó khiến nhiều người không khỏi đặt ra câu hỏi: Phải chăng một phần
tiền hỗ trợ lãi suất không được hỗ trợ đúng đối tượng mà chạy vào các kênh đầu
tư ngắn hạn?



Theo ông Nguyễn Minh Phong, Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu
phát triển kinh tế-xã hội Hà Nội, gói hỗ trợ lãi suất 4% ít nhiều đã tạo ra hiện
tượng các doanh nghiệp khai thác kẽ hở để có thể vay vốn với giá rẻ.



Điều này có thể làm gia tăng nợ khó đòi. Cần có một cuộc điều tra về khả năng
trả nợ của các doanh nghiệp đã vay vốn kích cầu để phần nào đánh giá được hiệu
quả của việc cho vay hỗ trợ lãi suất.



Nhiều chuyên gia kinh tế nhận định rằng để
gói kích thích đi đúng đối tượng thì cần phải có cách hỗ trợ khác với hiện nay.
Điểm cơ bản, phải thực sự hỗ trợ được doanh nghiệp khó khăn nhưng có tiềm năng,
thứ hai không gây bất bình đẳng giữa doanh nghiệp và bất ổn vĩ mô./.





Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: