Thịt lợn mán Hòa Bình
Thịt lợn ở Hòa Bình được nuôi thả trên đồi núi, quanh năm chỉ ăn ngô, khoai, cây cỏ nên thịt săn chắc, ít mỡ, có vị thơm ngọt tự nhiên. Thịt lợn mán sau khi chế biến sẽ được bày biện ra mâm cỗ được lót sẵn lá chuối. Lá chuối ở đây được người dân sử dụng là lá chuối rừng, non mềm, thơm mùi đặc trưng của núi rừng. Trong mâm cỗ lá, thức ăn cũng được người dân bày biện theo hình tròn với lòng và tim gan lợn luộc chín xếp đầu tiên, tiếp theo là thịt lợn mán luộc và nướng. Phía trên cùng là những miếng chả nướng trên than hồng thơm phức. Du khách thưởng thức một lần mà nhớ mãi không quên.


- Gà chạy bộ
Với địa hình là đồi núi cao, vì vậy mà gà được nuôi ở Hòa Bình sẽ dai và thơm hơn so với gà ở dưới xuôi. Bạn cũng có thể đặt nhà nghỉ để chuẩn bị thêm một vài con (tùy số lượng người) để nướng hoặc nấu cháo vào buổi tối nhé.


- Cơm lam
Không biết món cơm lam độc đáo này ra đời từ bao giờ, nhưng chỉ biết rằng người dân miền núi thường mang theo một chút gạo để khi đói chặt lấy ống tre, ống nứa bên đường, sau đó bỏ chút gạo và chút nước suối để nướng những ống cơm ăn qua bữa. Giờ đây cơm lam đã trở thành một món ăn đặc sản đặc trưng của núi rừng. Món cơm lam có ở rất nhiều nơi từ người Tày, người Thái, người Nùng, người Mường… Tuy nhiên, Hoà Bình nổi tiếng hơn cả vì nơi đây có loại gạo nương thơm ngon, dẻo nổi tiếng.


- Rau rừng thập cẩm
Rau rừng thập cẩm quen thuộc bao gồm rau rừng, lá thuốc, các loại lá thập cẩm trong vườn nhà (hoa chuối, lá đu đủ, rau beo, rau tầm bóp, rau đốm…). Để thưởng thức món ăn này, bạn nên chấm nước lòng cá tạo nên sự đan xen trong vị giác với chút đắng, cay, chua, ngọt, bùi… Nếu lên Hòa Bình mà không nếm thử rau rừng thập cẩm này thì sẽ thật là một thiếu sót lớn.


- Măng đắng
Muốn có một món măng đắng ngon, du khách phải chọn những mầm măng sặt mới nhú lấy củi nướng cho đến khi măng cháy xém. Sau khi quắt lại, họ bóc dần từng bẹ chấm vào gói chẩm chéo gồm muối, ớt, lá gừng, mắc khén, lá tỏi và củ tỏi giã nhỏ. Khi thưởng thức món ăn này, du khách sẽ cảm nhận được vị đắng ngọt của măng, vị mặn của muối, vị cay nồng của ớt, vị cay ấm của gừng, vị cay tê của mắc khén… Tất cả tạo nên một hương vị đặc trưng của núi rừng Tây Bắc.

Nguồn: http://biotravel.vn/cam-nang-du-lich...-hoa-binh.html
Xem thêm: Review du lịch Mộc Châu tháng 6