Tổng công ty Bảo hiểm Tiền gửi liên bang Mỹ (FDIC) ngày 24/5 cho biết lợi nhuận
của các ngân hàng Mỹ trong quý I/2011 tăng mạnh, đạt mức quý cao nhất tính từ
quý II/2007, nhưng số ngân hàng 'có vấn đề' tiếp tục tăng.



Thông báo của FDIC cho biết các ngân hàng được chính quyền liên bang bảo
lãnh đã thu được 29 tỷ USD lợi nhuận trong quý đầu năm nay, tăng 67% so với một
năm trước và đây là quý thứ bảy liên tiếp lợi nhuận của quý sau tăng so với quý
trước.



Trong khi đó, thông báo cũng cho biết 888 ngân hàng của Mỹ đã bị đưa vào
danh sách các định chế tài chính 'có vấn đề' của quý I/2011. Đây là con số cao
nhất trong 18 năm qua.



Các định chế này chiếm 12% tổng số 7.574 ngân hàng được chính quyền liên
bang bảo lãnh và họ sở hữu nguồn tài sản trị giá 397 tỷ USD.



Trong buổi họp báo tại Washington ngày 24/5, Chủ tịch FDIC Sheila Bair nêu
rõ khu vực ngân hàng ở Mỹ đã có nhiều dấu hiệu cải thiện nhưng vẫn còn nhiều
ngân hàng đang phải 'chiến đấu' để tồn tại.



Bà dự đoán rằng thời gian tới, doanh thu hoạt động ngân hàng sẽ tiếp tục
giảm vì các ngân hàng không dám mạo hiểm nhiều và chọn cách đầu tư vốn vào những
loại cổ phiếu có độ rủi ro thấp hoặc giữ vốn hơn là đem cho vay.



Bà Bair, người sẽ rời chức Chủ tịch FDIC vào tháng Bảy, cho rằng để lấy
lại lòng tin của các bên đi vay, Quốc hội Mỹ phải giải quyết nhiều vấn đề lớn
của nền kinh tế và phải giảm thâm hụt ngân sách, việc này nằm 'ngoài phạm vi
điều phối của các định chế ngân hàng.'



Năm 2010, Mỹ chứng kiến sự sụp đổ của 157 ngân hàng với tổng tài sản trị
giá 92 tỷ USD. Việc đóng cửa các ngân hàng này khiến quỹ bảo hiểm tiền gửi liên
bang giảm hơn 24 tỷ USD.



FDIC ước tính từ năm 2010 tới hết năm 2014, tổng số tiền bảo hiểm tiền gửi
mà họ phải trả cho các ngân hàng sập tiệm sẽ là 45 tỷ USD./.





Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: