Trong mấy ngày qua, một số ngân hàng đã huy động vượt trần lãi suất 14%, nhiều luồng dư luận cho rằng sẽ có điều chỉnh lãi suất như nâng trần lãi suất huy động, áp trần lãi suất cho vay, nâng lãi suất tái triết khấu…



Tuy nhiên, tại cuộc trao đổi với báo chí chiều ngày 26/5, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Giàu khẳng định chưa có chủ trương điều chỉnh lãi suất trong thời gian này.



Không áp trần lãi suất cho vay



Thống đốc Nguyễn Văn Giàu khẳng định, đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước chưa có chủ trương điều chỉnh áp trần lãi cho vay.



“Đã có vài ý kiến đề cập tới chuyện này, nhưng tôi khẳng định đây không phải là chủ trương của Ngân hàng Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước cũng chưa đưa ra bất cứ điều chỉnh nào về lãi suất cho vay cũng như huy động tiền đồng,” Thống đốc cho biết.



Nhiều ý kiến cho rằng quy định trần lãi suất cho vay thì dễ quản lý, nếu ngân hàng thương mại cho vay cao sẽ bị khách hàng vay khiếu nại nhưng thực tiễn cuộc sống không đơn giản như vậy.



Thống đốc lý giải, khống chế lãi suất cho vay có vẻ tốt, tưởng như sẽ khiến xã hội yên tâm, nhưng hệ lụy của nó là cầu tín dụng đã cao hơn so với cung, nếu áp trần sẽ không khả thi và nhiều rủi ro. Khi người ta mua chuộc nhau có thể dẫn tới chuyện châm chước cho nhau, nới lỏng điều kiện tín dụng. Hậu quả là không chỉ ngân hàng đó rủi ro, mà còn gây tổn thương cho cả hệ thống.



Kiên quyết xử lý ngân hàng vượt trần 14%



Hiện có nhiều ngân hàng đã huy động lãi suất vượt trần 14% và nhiều doanh nghiệp phải vay với lãi suất 23%, chính vì vậy trong những ngày qua có nhiều luồng thông tin cũng cho rằng nên điều chỉnh lãi suất huy động lên để phù hợp với tình hình hiện nay. Tuy nhiên Thống đốc Nguyễn Văn Giàu cho rằng, điều chỉnh lãi suất phải nhìn theo tín hiệu kinh tế vĩ mô. Thực ra cuối tháng 4, Ngân hàng Nhà nước có cân nhắc khi thấy giá thế giới biến động. Nhưng nay giá đang giảm dần, các bất ổn chính trị trên thế giới hiện nay có xu hướng giảm nên khó có thể đẩy giá lên cao hơn.



Thống đốc cho rằng, điều kiện vĩ mô đang tốt lên, lạm phát đang giảm thì tại sao phải nâng trần lãi suất huy động, lạm phát cả năm liệu có lên tới 18% hay không mà đề nghị đẩy lãi suất huy động lên 18%. Cũng không nên đòi hỏi lãi suất thực dương vào lúc này, mà chúng ta chỉ hướng tới mục tiêu đó thôi. Khi thị trường kỳ vọng chính sách tốt lên, lạm phát giảm xuống, những ai đề nghị tăng lãi suất cần xem lại trách nhiệm của họ với xã hội, với đất nước.



Đối với những ngân hàng vi phạm trần lãi suất huy động, Thống đốc cho biết phải xử lý và kỷ luật nghiêm, Ngân hàng Nhà nước không nương nhẹ với biểu hiện này. Những chi nhánh ngân hàng thương mại nào vi phạm nếu Ngân hàng Nhà nước phát hiện sẽ kỷ luật giám đốc chi nhánh, thậm chí xem xét tới việc dừng hoạt động chi nhánh đó.



Thống đốc nhấn mạnh, khi đất nước khó khăn thì phải chia sẻ, đừng vin vào cớ lạm phát cao để gây xáo trộn thị trường và làm ảnh hưởng xấu tới dư luận xã hội. Tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ hợp tác chặt chẽ với cơ quan công an, báo chí để phát hiện, điều tra và xử lý kịp thời những biểu hiện vi phạm nói trên.



“Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đang tập trung xử lý một vụ việc phi phạm xé rào lãi suất tại Thành phố Hồ Chí Minh, khi nào xong, chúng tôi sẽ công bố công khai,” Thống đốc cho biết.



Tiền gửi dân cư tăng



Thống đốc cho biết, tính đến ngày 23/5 so với cuối năm 2010, tốc độ tăng trưởng huy động vốn toàn hệ thống ngân hàng tăng 1,48%. Trong đó, tốc độ huy động vốn VND giảm 2,75% nhưng tốc độ huy động ngoại tệ tăng 18,84%.



Vốn huy động VND giảm nhưng chủ yếu ở khu vực tổ chức kinh tế với số tuyệt đối 156.700 tỷ đồng. 'Chúng tôi cho rằng, khi lãi suất tăng cao, bao giờ họ cũng rút tiền ra để sản xuất kinh doanh. Điều này là hoàn toàn lành mạnh, bởi lẽ nhờ đó, giá thành sản xuất giảm, thanh khoản nền kinh tế được cải thiện; đồng thời, còn góp phần làm giảm hệ số nở tiền trong nền kinh tế,' ông nói.



Ngược lại, tiền gửi dân cư tăng tới 11,84%; trong đó, VND tăng 107.300 tỷ đồng, tương ứng 11,39% và tiền gửi ngoại tệ tăng 8,63%.



Thống đốc khẳng định, các chính sách tác động để giảm tổng cầu và các giải pháp điều hành về lãi suất, tỷ giá đang có hiệu ứng tích cực. Điều này được thể hiện ở chỗ dòng tiền gửi từ dân cư đang chảy vào hệ thống ngân hàng. Thử hình dung, nếu số tiền 107.300 tỷ đồng nói trên tiếp tục ngoài hệ thống ngân hàng thì chúng sẽ tác động xấu đến giá cả hàng hóa như thế nào.



Còn một số liệu quan trọng nữa là đến ngày 23/5/2011 so với 30/4/2011, tiền gửi ngoại tệ của dân cư giảm 2,89%, điều đó cho thấy một bộ phận dân cư đã bán ngoại tệ cho ngân hàng.



Tiền gửi tổ chức kinh tế giảm làm tăng thanh khoản cho nền kinh tế, trong khi tiền gửi dân cư tăng, cho thấy diễn biến thị trường đã và đang đi đúng hướng điều hành của Chính phủ.



Cũng so với cuối 2010 thì tính đến 23/5/2011, tổng dư nợ tín dụng tăng 6,2%. Trong đó, VND tăng 2,59%, tín dụng ngoại tệ tăng 18,9%. Khối lượng tín dụng tăng ròng cho nền kinh tế gần 5 tháng đạt 135.800 tỷ đồng, tương ứng khoảng 33% so với dự kiến khối lượng tín dụng trong trong cả năm nay. Mức tăng này laf hợp lý và nằm trong tầm kiểm soát.



Thống đốc cũng cho rằng, theo Nghị quyết 11 của Chính phủ thì phải tập trung tín dụng cho khu vực sản xuất, nhất là cho vay nông nghiệp – nông thôn và xuất khẩu. Hiện tại, tăng trưởng tín dụng khu vực này khoảng 22,2%, xét trong mối tương quan mức tăng tín dụng chung cho cả nền kinh tế là 6,2% thì đã gấp hơn 3,5 lần.



Trong khi đó, xét về cơ cấu tín dụng thì tỷ trọng cho vay lĩnh vực phi sản xuất đã giảm được 1,92% so với mức 18,87% cuối 2010. Như vậy, cơ cấu tín dụng phi sản xuất hiện nay là 16,95% và so với mục tiêu 16% vào cuối 2011, tôi nghĩ sẽ đạt được mục tiêu này.



Đến này 23/5/2011, có một số tổ chức tín dụng vẫn có tốc độ tăng tín dụng cao, chẳng hạn: Ngân hàng Phương Tây 24%, Ngân hàng Việt Nam Thương tín 26%. Thống đốc cho biết đã có chỉ đạo thanh tra hai ngân hàng này./.





Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: