Chính phủ Hy Lạp đã bắt đầu kế hoạch bán các tài sản công quy mô lớn nhằm giảm
gánh nặng nợ khổng lồ lên tới gần 340 tỷ euro của nước này, theo đó Athens chính
thức mời tập đoàn viễn thông Deutsche Telecom của Đức thâu tóm số cổ phần còn
lại trong công ty viễn thông OTE.



Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp George Papaconstantinou đã đề cập thương vụ
liên quan đến OTE trong một bức thư gửi Ban điều hành Deutsche Telecom ngày
26/5, khởi động kế hoạch tư nhân hóa được chính phủ nước này thông qua ngày
23/5.



Động thái này được đưa ra giữa lúc các quốc gia thành viên khác trong Liên
minh châu Âu (EU) hối thúc Hy Lạp đẩy nhanh tiến trình tư nhân hóa và các cải
cách, sau khi Athens nhận được gói cứu trợ tài chính trị giá 110 tỷ euro từ EU,
Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) hồi tháng Năm năm
ngoái.



Deutsche Telecom hiện sở hữu 30% cổ phần trong OTE, tập đoàn viễn thông
lớn nhất tại Balkan với khoảng 30.000 nhân viên tại Albania, Bulgaria, Romania
và Serbia. Trong khi đó, Chính phủ Hy Lạp nắm giữ 16% cổ phần trong công ty này.




Athens hồi đầu tuần này thông báo sẽ bán 10% cổ phần trong OTE vào tháng
tới, như một phần trong nỗ lực huy động 50 tỷ euro từ việc bán các tài sản công
để giảm gánh nặng nợ công.



Một phát ngôn viên của Deutsche Telecom cho biết thương vụ mua bán 10% cổ
phần trong OTE có giá trị gần 400 triệu USD và Deutsche Telecom còn có quyền
chọn mua số cổ phần còn lại mà Athens nắm giữ trong công ty này. OTE vừa thông
báo đạt lãi ròng 30,2 triệu euro trong quý I/2011, giảm hơn 54% so với cùng kỳ
năm ngoái.



Theo hãng tin ANA, kế hoạch bán các tài sản khác, trong đó có hai cảng
Piraeus và Thessaloniki được coi là nhộn nhịp nhất Địa Trung Hải xét về khía
cạnh du lịch và thương mại; ngân hàng Hellenic Postbank, một trong những nhà cho
vay có vốn thị trường lớn nhất của Hy Lạp, sẽ được triển khai trong vài tháng
tới.



Danh sách các tài sản được đưa bán cũng bao gồm công ty cung cấp nước sạch
Thessaloniki; công ty vận hành khí đốt DEPA, công ty vận hành dịch vụ đường sắt
Trainose; nhà vận hành đường đua ODIE...



Athens đang tiến hành đàm phán với EU, IMF và ECB về chương trình tư nhân
hóa nêu trên và các chương trình cải cách kinh tế. Việc Hy Lạp có trả được nợ
hay không sẽ phụ thuộc vào kết quả của các cuộc thương lượng này.



Hy Lạp đã nhận gói giải cứu tài chính 110 tỷ euro từ bộ ba EU, IMF và ECB
trong năm ngoái, đổi lại, Athens đã nhất trí tiến hành các cải cách kinh tế sâu
rộng. Song, bất chấp những nỗ lực lớn trong năm ngoái, Hy Lạp vẫn không thể đưa
được thâm hụt ngân sách của nước này xuống dưới 10% GDP như kế hoạch đề ra.



Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Papaconstantinou vừa cho biết IMF đã thể hiện
rõ quan điểm rằng họ sẽ không cấp thêm bất cứ khoản quỹ mới nào nếu không có một
gói hỗ trợ toàn diện của châu Âu nhằm ngăn chặn các cuộc khủng hoảng tương tự
trong tương lai.



Nhóm chuyên gia của EU, ECB và IMF vẫn đang làm việc tại Hy Lạp để kiểm
tra các hoạt động tài chính của Athens trước khi đưa ra quyết định có giải ngân
12 tỷ euro tiếp theo trong gói cứu trợ 110 tỷ euro hay không.



Một phát ngôn viên của Chủ tịch Nhóm các bộ trưởng tài chính khu vực
Eurozone nêu rõ nếu các biện pháp 'thắt lưng buộc bụng' của Hy Lạp thuyết phục
được các 'thanh sát viên' này thì EU và IMF sẽ vẫn giải ngân khoản tiền 12 tỷ
euro cho Athens, trong đó 3,3 tỷ euro là của IMF./.





Theo vietnamplus.vn

Các chủ đề cùng chuyên mục: